Kinh tế

Nâng tầm quy mô, bứt phá và tăng tốc

Hồng Sơn 26/07/2023 - 10:42

15 năm là quãng thời gian ngắn so với rộng dài lịch sử, nhưng với một Thủ đô trong hình hài, tầm vóc mới sau cuộc hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ) thật sự là một dấu ấn mang tính thời đại. Đó là giai đoạn mới đầy ý nghĩa của Thủ đô đang tăng tốc phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Hà Nội đang và sẽ xứng đáng là một đầu tàu kinh tế, với niềm tin của cả nước bằng tiềm năng, nội lực và khát vọng của mình…

hn.jpeg
Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Ảnh minh họa

Những số liệu “biết nói”

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội lần lượt chỉ bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.

Năm 2020 và 2021, GRDP tăng khá thấp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Năm 2022, GRDP phục hồi tăng cao, tuy nhiên năm 2023 tăng trưởng có phần chững lại nhưng Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần mức tăng chung cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm nay, GRDP duy trì tăng 5,97% - là mức tăng khá.

Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng - khoảng 5.950 USD tức gấp 1,45 lần mức trung bình cả nước (khoảng 4.110 USD).

Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Hằng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực và trong hai năm 2021-2022 đã có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó 7 doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt, du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, thành phố chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa; đã công nhận thêm 10 điểm du lịch, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến “làn gió mới” cho du lịch;  tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%. Trong đó, khách quốc tế 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần; khách nội địa 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%. Dự kiến năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế 3 triệu lượt).

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, các ngành dịch vụ và du lịch đang trên đà phục hồi rất rõ nét, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng và yêu cầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Kinh tế tri thức, kinh tế số ngày càng được chú trọng. Hiện, Hà Nội dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT với gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước...

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát tốt nhờ thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, CPI bình quân tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp, cho thấy còn dư địa lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng như bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Tổng thu NSNN giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Cơ cấu thu NSNN trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.

Nhận diện tồn tại và định hướng phát triển

nguon-nhan-luc.jpeg
Hà Nội chú trọng phát huy lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Ảnh minh họa

Dù kinh tế duy trì tăng trưởng khá, chống chịu tốt trước những tác động từ bên ngoài, nhưng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020. GRDP bình quân đầu người của Hà Nội hiện chỉ bằng khoảng 90% của thành phố Hồ Chí Minh, 73% của Quảng Ninh, 84% của Hải Phòng và thấp hơn nhiều so với một số thủ đô ở Đông Nam Á.

Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng; việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực như: Nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, chưa có nhiều các dự án đầu tư vào các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao. Mức độ chuyển giao công nghệ còn chậm. 

Trước thực tế trên và yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững, thành phố đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hằng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục từ năm 2012 (xếp thứ 51/63) đến năm 2018-2020 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, PCI của Hà Nội đã giảm lần lượt 1 bậc và 10 bậc, hiện xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố.

Ngày 7-6-2023, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về năng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó: Giao sở, ban, ngành tăng thứ hạng xếp bậc mỗi chỉ tiêu thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách; giao Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội xây dựng và triển khai đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) từ năm 2023.

Theo đánh giá của UBND thành phố, sau 15 năm hợp nhất, kinh tế duy trì tăng trưởng khá; đảm bảo các cân đối lớn ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ chủ động phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các chương trình mục tiêu, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đặc biệt là chương trình phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, hạ tầng đô thị thông minh, các dự án hạ tầng liên kết vùng.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển; ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo...

Theo một số chuyên gia, Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần phát huy, khai thác có hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng phát triển những ngành/lĩnh vực hiện đại phù hợp với định hướng và lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao bên canh những đột phá về cải cách, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, lợi thế từ việc mở rộng địa giới chính là dư địa để tăng trưởng đối với nền kinh tế tri thức. Trong những năm tới, việc hợp nhất có thể tạo cơ hội cho thành phố phát triển những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi chất xám nhiều hơn.

Có thể  khẳng địnhm sau 15 năm hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm quy mô, bứt phá và tăng tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.