Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng suất lao động thấp: Không nên ”nóng mặt”!

Thế Phương| 19/10/2014 06:11

(HNM) - Trên một số phương tiện thông tin đại chúng, người ta dẫn số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng: Năng suất lao động (NSLĐ) trung bình của Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 so với Malaysia... và nhận định, NSLĐ của Việt Nam xếp vào loại thấp nhất trong khu vực.

Vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng những nhận định nêu trên khiến nhiều người lo ngại và cũng làm nhiều người "nóng mặt" bởi người Việt Nam xưa nay vẫn được tiếng chịu thương, chịu khó... Vậy, cần nhìn nhận vấn đề NSLĐ của người Việt Nam như thế nào? Vì sao NSLĐ của Việt Nam bị đánh giá như vậy trên "bản đồ" lao động khu vực? Muốn tăng NSLĐ phải làm gì?...

NSLĐ thường được định nghĩa là số lượng sản phẩm (GDP) tạo ra trên một đơn vị người lao động (hoặc trên mỗi giờ lao động). NSLĐ gián tiếp thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế nên được giới đầu tư đặc biệt quan tâm khi phân tích các thị trường lao động. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư quyết định mở hầu bao hay không, không hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ số này. Nói như vậy để thấy NSLĐ thấp là vấn đề rất đáng lo ngại, nhưng không phải là yếu tố sống còn trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Thêm nữa NSLĐ không phản ánh đầy đủ mức độ chuyên cần và năng lực sáng tạo của người lao động nên cũng không đến nỗi phải "nóng mặt" nếu ai đó so sánh NSLĐ của Việt Nam với Singapore hay Malaysia.

Năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả sử dụng lao động và các yếu tố sản xuất khác như máy móc, công nghệ... có vai trò quyết định đối với NSLĐ và đây chính là điểm yếu của Việt Nam, cũng là căn nguyên dẫn tới vị trí xếp hạng đáng quan ngại trên "bản đồ" lao động khu vực (nêu trên). Việt Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho khu vực kinh tế nhà nước nhưng không đem lại NSLĐ như mong muốn. Vì sao vậy? Vì "vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhưng bố trí dàn trải, đầu tư không đồng bộ, nhiều công trình đầu tư kéo dài; một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không phù hợp nên không phát huy được hiệu quả..." - nhận định của Tổng cục Thống kê. Chưa kể một lượng không nhỏ nguồn lực, cả Nhà nước lẫn tư nhân đổ vào bất động sản và chạy theo các giá trị ảo... Điều gì phải đến, đương nhiên sẽ đến. NSLĐ của Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực không phải là câu chuyện bất ngờ.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã coi tăng trưởng NSLĐ là ưu tiên hàng đầu với nhiều chính sách hỗ trợ (Singapore là một ví dụ). Do vậy, một chiến lược cải thiện NSLĐ đưa ra ở thời điểm này là hết sức cần thiết. Và NSLĐ chỉ được cải thiện qua hai con đường: Một là chú trọng nâng cấp công nghệ, đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao tay nghề cho người lao động... Hai là tập trung đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh có giá trị gia tăng lớn hơn (ví dụ từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp)...

Cải thiện NSLĐ không phải là vấn đề "nóng mày, nóng mặt" với vị trí xếp hạng của ILO hay những so sánh có phần phiến diện của ai đó, mà là đòi hỏi bức xúc từ thực tế phát triển của đất nước. Do vậy, nâng cao NSLĐ không chỉ là việc riêng của mỗi cơ quan, doanh nghiệp mà là vấn đề cần đặt ra với toàn xã hội và đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năng suất lao động thấp: Không nên ”nóng mặt”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.