Lao động - Việc làm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Đích đến là năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn

Hà Phong 23/05/2024 15:06

Làm thế nào để người lao động an cư, hỗ trợ đào tạo nghề, vốn, cho vay tín dụng ưu đãi là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị đối thoại.

Sáng 23-5, tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Phạm Quang Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô năm 2024.

a5(1).jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng 300 công nhân, lao động (CNLĐ) đại diện cho CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp của Hà Nội.

Nhà ở xã hội - mối quan tâm hàng đầu của CNLĐ

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh.

Nêu thực tế tại nhiều địa phương, trong đó có huyện Gia Lâm, nhiều CNLĐ đang phải thuê trọ ở các khu dân cư chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, giá thuê trọ, tiền điện, tiền nước cao, anh Nguyễn Văn Nam (công nhân Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á) cho rằng, những bất cập trên khiến người lao động càng khó khăn hơn, đề nghị thành phố có thêm dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

a6(1).jpg
Anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam) phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Cùng mối quan tâm, anh Nguyễn Thịnh (công nhân Công ty cổ phần Kết cấu thép Bình Phú) mong muốn thành phố sớm ban hành, hoàn thiện thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được mua cũng như nguồn vốn vay nhằm hỗ trợ để CNLĐ không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh câu chuyện về nhà ở, vấn đề được CNLĐ phản ánh tại hội nghị là tình trạng xả nước thải dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh làm ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người lao động trên địa bàn các xã: Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu và thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất); vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, nơi vui chơi, giải trí, trường học, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động…

a8(1).jpg
Anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) phản ánh: Trước đây có 3 lối vào Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Tuy nhiên, hiện nay 2 lối vào đã bị khóa, khiến giao thông dồn về trục đường chính, công nhân đi lại rất khó khăn. "Ở hội nghị đối thoại năm trước, chúng tôi đề xuất mở thêm lối đi, trang bị thêm đèn tín hiệu giao thông, nhưng không được triển khai" - anh Hải nêu.

Chị Nguyễn Thị Mai Loan (Công ty TNHH Kenmec Việt Nam) thông tin, từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước là 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong ngành Thủy lợi thuộc thành phố Hà Nội vẫn chỉ được hưởng lương và đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng…

a9(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Mai Linh (Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO) phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Chị Đỗ Thị Giang (Trường Mầm non Mỹ Đình) thông tin, dù thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm đến chính sách giáo viên, nhân viên trường học, song nhiều giáo viên, nhân viên có bằng đại học nhưng chỉ được hưởng lương trung cấp hoặc cao đẳng.

Công nhân sẽ được vay vốn ưu đãi

Trong hơn 3 giờ diễn ra, hội nghị đã nghe hàng chục ý kiến trao đổi trực tiếp và 16 câu hỏi gửi Ban tổ chức.

Giải đáp kiến nghị của CNLĐ về phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trong quá trình triển khai, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng… UBND thành phố đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

a14.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong giải đáp thắc mắc, kiến nghị của CNLĐ. Ảnh: Viết Thành

Đối với việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, công tác xét duyệt thuộc chủ đầu tư dự án, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án có trách nhiệm kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần, không đúng đối tượng; đăng tải công khai thông tin các dự án, danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, công nhân các khu công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công nhân, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân về thủ đoạn của tội phạm và các biện pháp phòng ngừa. 4 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện, điều tra khám phá 19 vụ, bắt giữ 82 đối tượng liên quan hoạt động "tín dụng đen”.

a18.jpg
Đại diện Công an Hà Nội trả lời kiến nghị của CNLĐ. Ảnh: Viết Thành

Về nhu cầu gia tăng các tuyến xe buýt phục vụ công nhân, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, Sở đang rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố để đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải, bố trí hợp lý các điểm dừng, đỗ.

Trước phản ánh hàng rong bủa vây khu công nghiệp gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, Ban Quản lý sẽ phối hợp với các đơn vị để chấn chỉnh tình trạng này.

Đích đến là năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn

Lắng nghe các ý kiến trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, mỗi bước tiến, mỗi thành công chung của thành phố không thể thiếu vai trò quan trọng của CNLĐ Thủ đô. Thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tập trung, rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Đích đến là năng suất lao động cao hơn, phúc lợi tốt hơn.

a19.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, trả lời các kiến nghị của người lao động. Ảnh: Viết Thành

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, đặc biệt là chậm triển khai nhà ở xã hội, để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về an cư lạc nghiệp, đời sống, công ăn việc làm, trình độ được nâng cao, đóng góp nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.

Trước trăn trở về nhu cầu của CNLĐ về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với khả năng cung ứng của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động. Trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch.

Về phía thành phố, ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội cũng sẽ có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát, quy hoạch bố trí bổ sung quỹ đất để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội.

Về phản ánh đường giao thông đi lại tại Quốc Oai chưa thuận tiện, trước mắt, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hỗ trợ tối đa cho CNLĐ ra vào và đến nơi làm việc. Đặc biệt, các đơn vị phải phối hợp với nhau để giải quyết tồn tại, khẩn trương khảo sát bố trí đèn giao thông để công nhân đi làm an toàn, thuận tiện.

a20.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng trao quà cho người lao động. Ảnh: Viết Thành
a22.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với CNLĐ Thủ đô. Ảnh: Viết Thành

Về xử lý ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xanh và an toàn. Theo hướng đi này, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, chấn chỉnh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không vì lợi ích một nhóm người mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Các bất cập về tiền lương, tiền công cũng sẽ được UBND thành phố tiếp thu, có những quyết sách trình HĐND thành phố cho phù hợp lộ trình phát triển Thủ đô trong thời gian hiện nay và thời gian tới…

Sau chương trình đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã trao 50 suất quà cho tặng CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam:
Sẽ cải thiện chất lượng môi trường, nước dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh

a17.jpg

Qua kiểm tra, 3 cơ sở sản xuất tinh bột sắn thuộc xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) đã xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra mương xuống kênh tiêu Tây Ninh. UBND huyện Phúc Thọ đã giao Công an huyện, các đơn vị phối hợp với UBND xã Liên Hiệp kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, để cải thiện chất môi trường nói chung và lượng nước nói riêng, HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Tây Ninh - Ngòi Núc, huyện Thạch Thất và dự án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu, huyện Thạch Thất và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố làm chủ dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện hai dự án này từ năm 2024-2027.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật:
Không nên rút bảo hiểm xã hội một lần

Với phản ánh tình trạng rút bảo hiểm một lần có xu hướng tăng lên, cơ quan Bảo hiểm xã hội mong muốn các công nhân khắc phục khó khăn về tài chính, không nên rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi theo quy định hiện hành, nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không sớm trở lại hệ thống, người lao động có nguy cơ không được hưởng lương hưu, đồng nghĩa tuổi già thiếu điểm tựa an sinh. Ngoài ra, khi người lao động qua đời, thân nhân không được hưởng các khoản trợ cấp tử tuất…

UBND thành phố cũng đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng khác.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam:
Mở nhiều kênh phát triển thị trường lao động

a16.jpg

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức khoảng 260 phiên giao dịch việc làm. Tất cả các phiên đều kết nối online đến tất cả sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố. Sở còn hình thành kênh thông tin điện tử “Người tìm việc, việc tìm người” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Doanh nghiệp có thể đăng nhu cầu cần tuyển dụng, vị trí làm việc; người lao động có thể đăng nhu cầu tìm việc của mình, bằng cấp, nguyện vọng, mức lương, qua đó Trung tâm sẽ kết nối các bên. Đây là tiền đề để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao tới Thủ đô làm việc. Chỉ khi cung - cầu gặp nhau mới góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động một cách linh hoạt, hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Đích đến là năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.