Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng hiệu quả nguồn lực đất đai

Nguyễn Lê| 01/07/2022 07:34

(HNM) - Quỹ đất đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng “cạn” dần, nhưng tình trạng đất bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, không đúng chức năng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương của thành phố. Hiện các ngành chức năng đang rà soát quỹ đất, thu hồi dự án không khả thi, đưa vào phục vụ phát triển đô thị, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này.

Khu đất thuộc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) được phê duyệt thành khu đô thị hiện đại nhưng sau 3 thập kỷ vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Gia Khang

Quy hoạch “treo” gây nhiều lãng phí

Hơn 15 năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) không thể sửa chữa hay xây mới nhà ở do vướng quy hoạch đất phức hợp. Mới đây, UBND quận 1 đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, có diện tích hơn 68.500m². Được biết, dự án này do UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh - xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) đầu tư dự án phức hợp từ năm 2006, hiện đã quá hạn nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai.

Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất điều chỉnh cục bộ khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), có diện tích hơn 12.500m². Khu đất này được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, đến nay dự án vẫn “bất động”. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, việc thu hồi dự án, điều chỉnh quy hoạch khu đất trên sẽ giải quyết nhu cầu sửa chữa, xây dựng công trình của các hộ dân và doanh nghiệp tại đây. Từ đó, góp phần chỉnh trang đô thị phù hợp thực tế.

Đón nhận tin vui từ việc điều chỉnh cục bộ khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, ông Phạm Ngọc Lâm - người có giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất tại số 6Bis, đường Trần Hưng Đạo (bị ảnh hưởng bởi dự án “treo” trên) cho biết, đã có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị hướng dẫn chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp văn phòng. Thực tế này gỡ được nút thắt cho gia đình tồn tại rất nhiều năm nay...

Tương tự hai khu “đất vàng” trên, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa có diện tích gần 430ha (phường 28, quận Bình Thạnh) dù thuộc nội thành nhưng nay vẫn hoang sơ. Năm 1992, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị hiện đại. Nhưng sau 3 thập kỷ vẫn “nằm trên giấy”, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thời điểm đó, chủ trương của thành phố là giải tỏa để quy hoạch xây dựng một khu đô thị mới hoàn toàn (tương tự Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7), nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ trương đó chưa được thực hiện.

Tháo gỡ các vướng mắc

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (do cả trung ương và thành phố quản lý); trong đó, có khoảng 320 địa chỉ nhà, đất (với diện tích hơn 1 triệu mét vuông) sử dụng sai mục đích, gây lãng phí cần phải thu hồi để quy hoạch, sử dụng đúng chức năng, hiệu quả.

Hiện “bức tranh” sử dụng đất tại thành phố Hồ Chí Minh có sự đối lập giữa một bên đất đai sử dụng không đúng mục đích hoặc bỏ hoang phí, một bên thiếu quỹ đất tại một số địa phương để phát triển nhà ở. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, từ năm 2019, hàng loạt quy định của pháp luật đã thay đổi trong việc quy định thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt là dự án nhà ở. Các quy trình, thủ tục hiện nay chưa được điều chỉnh tương thích với sự thay đổi đó, khiến nhiều dự án đầu tư bị chậm, kéo dài.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng lại các quy trình liên quan đến thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và xây dựng để tương thích với các luật, nghị định, thông tư. Điều này sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Còn đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, cơ quan này sẽ tăng cường rà soát kế hoạch sử dụng đất hằng năm để phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm để đưa đất vào sử dụng đúng chức năng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai, xây dựng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với lợi ích các tổ chức, cá nhân trong sử dụng đất. Đặc biệt, thành phố sẽ ưu tiên thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án tại những khu đất có vị trí thuận lợi, khu vực trung tâm, dựa vào giá trị nội tại của các khu đất để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng hiệu quả nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.