Góc nhìn

Tối đa hóa nguồn lực đất đai

Bắc Vũ 14/11/2024 - 06:34

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 12-11 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, trong đó đáng chú ý là vấn đề thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai.

Theo đó, sau 3 năm thực hiện, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, một số địa phương có nhu cầu sử dụng một số loại đất tăng cao để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, dự án có khả năng thu hút đầu tư, như: Đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất phát triển giao thông, năng lượng… nhưng lại chưa được bố trí trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Bên cạnh đó, công tác dự báo về nhu cầu sử dụng đất ở các địa phương cũng chưa sát với thực tế phát triển, dẫn đến những khó khăn khi triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Để xử lý các vướng mắc này, Chính phủ đã trình Quốc hội (tại kỳ họp thứ tám) chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trên cơ sở quy định của Luật Đất đai 2024, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp (bao gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (bao gồm đất quốc phòng, đất an ninh). Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương (dự kiến tại kỳ họp thứ tám), Chính phủ sẽ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2025.

Thực tế, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là hết sức cần thiết, phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực. Tuy vậy, việc tính toán, xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó, một trong những vấn đề cần đặc biệt lưu ý là tiếp tục ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhằm mục đích tối thượng là nguồn lực đất đai cần được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Trên cơ sở đó, các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau cùng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tối đa hóa nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.