(HNM) - Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần hạn chế khiếu kiện phức tạp kéo dài, đông người là yêu cầu đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đại diện các cơ quan chức năng trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Viết Thành |
Khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm
Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm. Năm 2016, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tới năm 2017 (số liệu tính từ tháng 8-2016 đến tháng 8-2017), theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các thông số nêu trên tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Quá trình thanh tra về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư ở nhiều địa phương cũng cho thấy, có những vụ việc đã được giải quyết có lý, có tình, đã ra được văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại. Cán bộ tiếp công dân trả lời đầy đủ, dẫn chứng cụ thể trong quá trình tiếp công dân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn tiếp tục khiếu nại lên cấp trung ương với thái độ quá khích. Đáng lưu ý, số đoàn đông người lại tăng 13,5%, nhất là ở những địa phương có nhiều dự án, công trình triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với quy mô lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hưng Yên...
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, môi trường… còn có những kẽ hở, việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt và còn nhiều thiếu sót. Khi phát sinh khiếu kiện, tố cáo, có nơi, có lúc, việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết đơn thư chưa tốt, thời gian kéo dài, việc thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Để giảm bức xúc của người dân, Luật Tiếp công dân đặc biệt chú trọng phương pháp đối thoại. Song trên diễn đàn Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, người đứng đầu chính quyền ở nhiều nơi chưa tiếp dân định kỳ một tháng một lần theo quy định. Cử tri phản ánh, có nơi 6 tháng liền Chủ tịch UBND cấp huyện không tiếp dân theo quy định.
Kết quả thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 8-6 vừa qua đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót ở địa phương này. Điển hình là Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh tiếp dân. Chủ tịch UBND các huyện Tu Mơ Rông tiếp dân 55/96 lần, chỉ đạt 57,2%; huyện Đăk Glei tiếp dân 20/96 lần, đạt 20,8%... Thậm chí, Giám đốc Sở Tài chính không tiếp công dân theo định kỳ; một số sở chưa bố trí phòng tiếp công dân…
Đánh giá cán bộ qua hiệu quả tiếp dân, giải quyết đơn thư
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trong buổi đối thoại với nhân dân vùng bị ảnh hưởng do ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). |
Thực tế cho thấy, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ. Có lúc, có nơi còn “khoán trắng” cho cơ quan thanh tra hoặc bộ phận tiếp công dân. Do không tích cực giải quyết, tuyên truyền phổ biến pháp luật ngay từ cơ sở nên vụ việc xảy ra dễ phát sinh phức tạp, là tiền đề khiến công dân khiếu kiện vượt cấp.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tới đây, trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ cần coi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí quan trọng. Cần xác định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, cấp huyện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì trên thực tế, hầu hết các đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết trước hết của cấp xã, cấp huyện và đơn tố cáo hiện nay chủ yếu cũng tố cáo cán bộ ở hai cấp này.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước phải có bước đột phá trong việc tuyển chọn, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra và tiếp công dân. Thay vì đối thoại thụ động, tức là khi dân bức xúc mới đối thoại, cần chú trọng yếu tố phòng ngừa. Trước hết là duy trì đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện nhân dân để sớm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ và tập trung giải quyết các kiến nghị, đề xuất. Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, hành chính, đất đai theo hướng chuyển dần các vụ việc khiếu nại, tố cáo sang thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bởi, Tòa án là biểu tượng của công lý, có bộ máy chuyên nghiệp để giải quyết đơn thư, thay vì việc các cơ quan quản lý hành chính đang giải quyết như hiện nay.
Theo ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bên cạnh việc đánh giá những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần phân tích sâu sắc hơn nữa về nguyên nhân số lượng khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm mạnh nhưng số lượng đoàn đông người tăng. Ngoài ra, cần bổ sung số liệu và đánh giá về số vụ việc đã được giải quyết nhưng còn tiếp tục khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện; kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cung cấp phụ lục về công tác tiếp công dân, thành phần tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các cơ quan chức năng mới có cơ sở theo dõi, đánh giá đầy đủ thực trạng việc thực hiện Luật Tiếp công dân trong những năm qua; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Tiếp công dân và các luật có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, môi trường - thường nảy sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1871/KH-TTCP về tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân (từ ngày 1-7-2014 đến ngày 1-7-2017). Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố tiến hành tổng kết trước ngày 15-10-2017; Thanh tra Chính phủ chủ trì tổng kết thực hiện Luật trên phạm vi toàn quốc tại Hà Nội vào tháng 12-2017. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.