Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn

Trọng Ngôn| 09/08/2019 07:31

(HNM) - Chính thức thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn từ ngày 1-6-2019, thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là nâng cao ý thức cho người dân, để tiến tới việc này được mở rộng ra phạm vi toàn thành phố trong năm 2019.

Trước đây, tại hẻm 142, đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7, hầu hết các hộ gia đình đều gom rác vào một túi ni lông và đặt trước cửa nhà, chờ người thu gom. Nhưng từ ngày 1-6-2019 đến nay, tại các con hẻm, hay phía ngoài đường Nguyễn Thị Thập, hoặc như đường Lâm Văn Bền kế đó… chính quyền địa phương đã đặt thí điểm nhiều thùng rác hai ngăn để người dân có thể phân loại rác tại nguồn. Các tấm biển nhỏ hướng dẫn và khuyến khích người dân phân loại rác có thể phân hủy, hoặc có thể tái chế... dán khắp nơi.

Tại quận 4, Công ty Môi trường đô thị quận còn tổ chức các điểm thu đổi rác nhựa lấy những chậu cây xanh xinh xắn. Tại quận Thủ Đức, các thông điệp tuyên truyền phân loại rác tại nguồn được đăng tải liên tục trên các ứng dụng di động và trang Facebook của Công ty Môi trường đô thị quận... 

Bà Bùi Thị Sinh (ở phường Bình Thuận, quận 7) nhận xét: “Những cách làm mới này đã tác động và làm thay đổi thói quen vứt rác của mỗi người dân. Khi mỗi người hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác thì sẽ tự giác thực hiện một cách hiệu quả”.

Hơn 3 tháng qua, các ban, ngành chức năng các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 1-6-2019. Theo đó, người dân bắt đầu phân loại rác ngay trong mỗi hộ gia đình.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày, toàn thành phố có khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Nếu được phân loại ngay từ nguồn, việc xử lý số rác thải khổng lồ này sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc phân loại rác tại nguồn hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đối với người dân, việc thay đổi thói quen để phân biệt và vứt rác vào 2 túi đựng khác màu nhau không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Về việc việc này, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai cùng lúc nhiều giải pháp. Trong đó, xác định việc thay đổi ý thức mỗi người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, từ quý II-2019, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố đã triển khai phân loại rác, tích điểm và quy đổi thành quà tặng nhằm khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, nếu tổ chức, cá nhân bị nhắc nhở quá 3 lần về việc không phân loại rác từ nguồn mà vẫn tái phạm, sẽ bị xử phạt theo Khoản 4, Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.

Với các cá nhân, đơn vị vận chuyển rác, thành phố đã có phương án hỗ trợ tài chính hoán cải hoặc mua mới phương tiện vận chuyển. Theo ông Nguyễn Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường), các cá nhân, đơn vị này được vay vốn ưu đãi tín chấp với lãi suất thấp, chỉ 8,4%/năm. Nếu vay từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố thì lãi suất chỉ còn 4,7%/năm; thời hạn vay lên đến 7 năm.

Từ nay đến tháng 10-2019, các tổ chức, cá nhân này sẽ phải hoàn tất việc hoán cải hoặc mua sắm mới phương tiện vận chuyển rác thải theo tiêu chuẩn mới. Cụ thể, xe chở rác có dung tích lớn hơn, có ngăn đựng riêng cho từng loại rác và tuyệt đối không được để rỉ nước trên đường vận chuyển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.