Góc nhìn

Thực hiện cho được việc phân loại rác

Gia Khánh 17/11/2023 - 06:38

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo lộ trình, chậm nhất ngày 31-12-2024, việc phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện. Tuy nhiên đến nay, việc phân loại rác còn rất loay hoay. Cơ quan chức năng có phổ biến, tuyên truyền nhưng chưa thực sự trở thành ý thức, hành động của mỗi người, mỗi hộ dân.

Hầu như rác thải sinh hoạt vẫn để chung một túi hoặc nếu được phân loại thì khi thu gom cũng lại để chung một chỗ. Đã có những chương trình hướng dẫn, khuyến khích phân loại rác được tổ chức, như đổi rác thải có thể tái chế lấy cây xanh, đồ gia dụng, song quy mô nhỏ, thời gian ngắn nên chưa tạo ra nhiều chuyển biến.

Mới đây, thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024. Theo đó, đến hết năm 2024, thành phố phấn đấu 60-70% chợ truyền thống và 100% trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần…

Thực tế, thành phố Hà Nội từng phát động những chiến dịch không sử dụng túi ni lông khá rầm rộ. Nhiều cửa hàng, siêu thị… đã thay túi ni lông bằng túi giấy, phát túi vải để người tiêu dùng sử dụng khi đi chợ. Hầu hết siêu thị lớn sử dụng túi ni lông phân hủy. Song, thực tế tình trạng sử dụng túi ni lông hay đồ nhựa dùng một lần vẫn khá phổ biến. Việc từ chối sử dụng túi ni lông chưa thực sự trở thành ý thức của mỗi người.

Hai câu chuyện trên cho thấy muốn tạo sự chuyển biến về nhận thức cần có giải pháp mạnh mẽ, triệt để. Quy định, kế hoạch đã ban hành cần có giải pháp thực thi hiệu quả. Đó là xây dựng quy trình thu gom với rác thải được phân loại và từ chối tiếp nhận rác không được phân loại. Việc phân loại rác phải được thông báo đến từng hộ (quy cách phân loại, màu túi). Đơn vị thu gom cần chuẩn bị phương tiện để tiếp nhận từng loại rác thải (rác tái chế, rác thực phẩm). Đối với rác thải cồng kềnh, đồ điện tử… nên bố trí điểm tiếp nhận tại từng khu dân cư, thông báo rộng rãi để người dân tự mang tới. Khi hạ tầng để thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý được chuẩn bị, đi kèm với giám sát, nhắc nhở, xử phạt theo quy định, chắc chắn người dân sẽ làm theo. Bằng không, quy định không được thực thi, việc phân loại vẫn chỉ ở mô hình khuyến khích, tuyên truyền thì không thể thực hiện rộng rãi.

Tương tự là việc sử dụng túi ni lông, bên cạnh vận động, tuyên truyền cần ban hành lộ trình chuyển đổi sản xuất túi ni lông khó phân hủy sang loại phân hủy; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý cơ sở sản xuất (như buộc dừng hoạt động) nếu không tuân thủ. Đi đôi với đó, tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng vật liệu thân thiện thay thế túi ni lông, sử dụng túi vải đi chợ… thông qua các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Thực tế, rất nhiều mô hình không sử dụng túi ni lông, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông được nhân rộng nhờ sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể.

Việc sử dụng túi ni lông hay không phân loại rác thải là thói quen, khó thay đổi ngay trong một sớm một chiều nhưng cũng không phải là vấn đề không thể giải quyết, nhất là khi đã có quy định, có lộ trình, có sự chuẩn bị, quyết tâm thực hiện của các cấp, ngành và sự chung tay của xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện cho được việc phân loại rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.