Môi trường

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Sớm đưa luật vào cuộc sống

Hoàng Văn 17/06/2024 - 06:41

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1-1-2025, các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Để sớm đưa luật vào cuộc sống, từ tháng 6-2024, tại 23 phường thuộc 5 quận của thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình này, tiến tới triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã.

moi-truong.jpg
Quận Hoàn Kiếm bố trí một địa điểm thu gom, đổi rác tái chế trên phố Phùng Hưng tạo thói quen phân loại rác trong nhân dân. Ảnh: Hoàng Hiệp

Phân loại thành 4 nhóm

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội giao Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 23 phường của 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân thành 4 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Tổ trưởng tổ dân phố số 3 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Văn Hạnh thông tin, để triển khai hiệu quả mô hình, tổ dân phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và phát tài liệu, tờ rơi giới thiệu về quy trình, cách thức phân loại rác; phổ biến kế hoạch, thời gian thu gom từng loại rác để người dân hiểu và thực hiện. Ngoài việc tuyên truyền như phường Chương Dương, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) còn phối hợp với URENCO Chi nhánh Hoàn Kiếm (URENCO Hoàn Kiếm) tổ chức tập huấn cho người dân cách thức phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn công nhân môi trường thu gom, vận chuyển, lưu trữ đúng quy định.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương cho biết, để chương trình thí điểm đi vào thực chất, UBND quận chỉ đạo 18 phường đồng loạt triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Các phường đều công bố rõ về thời gian, địa điểm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại để người dân thực hiện, tránh tình trạng sau phân loại lại đổ bừa bãi ra môi trường.

Tương tự, những ngày qua, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cũng tích cực tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của địa phương; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng từng loại rác sau phân loại... Cụ thể, đối với rác có khả năng tái chế như giấy, sách vở, bìa, cốc nhựa, vỏ chai, UBND phường bố trí điểm tập kết và thu gom theo thời gian cố định 2 lần/tuần. Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế..., phường bố trí địa điểm để người dân tập kết từ 7h đến 11h thứ bảy hằng tuần. Với rác thải nguy hại như bóng đèn, pin, nhiệt kế, ắc quy, bao bì dầu mỡ, phường thu tại điểm tập kết riêng. Các loại rác thải khác còn lại thu gom trực tiếp hằng ngày đưa đi xử lý.

Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khẳng định, việc các quận tổ chức thí điểm nhằm thu thập số liệu và rút kinh nghiệm thực tế bổ sung vào Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai vào năm 2025.

Sớm đưa luật vào cuộc sống

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, với sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, sự vào cuộc quyết liệt của URENCO Hà Nội, nhất là các quận tổ chức thí điểm, phương án phân loại rác tại nguồn bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi trường băn khoăn về cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý rác thải sau phân loại của các công ty vệ sinh môi trường chưa theo kịp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến đổ vỡ như năm 2006 đã triển khai.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, nếu không làm tốt khâu chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng sẽ rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống. Do đó, để quy định này đi vào thực tiễn, cần có sự đồng bộ từ khi phân loại, thu gom đến xử lý. Khi triển khai cần tránh tình trạng người dân phân loại xong đến lúc thu gom thì dồn thành một loại. Nơi tập kết rác thải cũng phải được phân loại riêng và phải chọn công nghệ xử lý phù hợp đối với từng loại rác.

Để làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư yêu cầu, URENCO Hoàn Kiếm chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để triển khai phương án thu gom rác tại 18 phường; bố trí thùng đựng từng loại rác thải có ký hiệu riêng để nhân dân dễ nhận biết và thuận lợi trong việc phân loại rác; đầu tư xe thu gom kín, khít để không phát tán mùi, chảy nước rỉ rác... gây ô nhiễm môi trường.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn thông tin, để sớm đưa luật vào cuộc sống, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy trình, định mức kinh tế duy trì vệ sinh môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại, làm cơ sở triển khai. Cùng với đó, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại, góp phần gìn giữ môi trường Thủ đô văn minh, sạch đẹp.

Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Sớm đưa luật vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.