(HNM) - Ngày 25-10, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho biết, cử tri rất đồng tình, hoan nghênh sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Công tác này cần được tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:
Làm tốt công tác cán bộ để phòng, chống tham nhũng
Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019 đã có thêm những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt kết quả rõ rệt, không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, vì không phải đấu tranh với bên ngoài, với người khác, mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người chúng ta.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Hiện, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành nghị định quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập và xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các cấp phải làm tốt công tác cán bộ và tổ chức cán bộ. Cơ quan chức năng cần đưa nội dung, tinh thần Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” vào các quy định cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Kiểm toán nhà nước…
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp):
Cần quyết liệt loại bỏ “tham nhũng vặt”
Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước. Những vụ việc tham nhũng đã được xử lý đến nơi đến chốn, phát hiện đến đâu xử lý đến đó. Qua công tác tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy, nhân dân rất đồng tình, hoan nghênh.
Tuy nhiên, cử tri còn nhiều băn khoăn về vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn tồn tại. Đây là vấn đề người dân rất quan tâm bởi “tham nhũng vặt” luôn hiện diện trong các lĩnh vực thực thi công vụ, khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy bất an. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp nhưng tình trạng này chưa thuyên giảm, có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng và Nhà nước. Do đó, phải có những giải pháp quyết liệt nhằm loại bỏ triệt để “tham nhũng vặt” để củng cố lòng tin của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.