Sáng 2-8, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết cần xuất phát từ thực tiễn triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị khi đánh giá lại những kết quả đã đạt được, đặc biệt, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua.
Trên cơ sở đó, tìm ra nguyên nhân, đề xuất định hướng và nghiên cứu giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đã có lúc, vai trò của doanh nghiệp khu vực nhà nước được đề cao quá mức là không hợp lý. Tuy nhiên, khi kinh tế tư nhân được xem trọng, coi là động lực của nền kinh tế thì khu vực kinh tế nhà nước lại bị xem nhẹ, thậm chí có khuynh hướng cực đoan cũng là điều hết sức nguy hiểm.
"Buổi làm việc lần này rất quan trọng để tiếp tục khẳng định quan điểm cơ bản đặt ra về khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều chú trọng phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp mang tính chiến lược để đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế quốc gia, đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không sẵn sàng, hoặc không được phép đầu tư.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, nếu không thận trọng, chỉ vì một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả mà phủ nhận cả hệ thống, sẽ dẫn tới việc chuyển sự độc quyền của nhà nước sang độc quyền tư nhân. Đó là sự nguy hại khó rất khó lường.
"Chúng ta phải nhìn nhận rõ chức năng, nhiệm vụ của nền kinh tế nhà nước, khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Tiểu ban đang tích cực chuẩn bị dự thảo cho Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mà phần hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có các chủ thể của nền kinh tế là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai.
"Phải có đánh giá khách quan, khoa học và căn cứ thực tiễn, từ đó, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong điều kiện mới là phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế...", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết, các doanh nghiệp trung ương hiện nay giữ vị trí quan trọng và ảnh hưởng lớn đến những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: Điện, than, dầu khí, công nghiệp cao su, tín dụng ngân hàng, tài chính bảo hiểm, vận tải, dệt may...
Doanh nghiệp nhà nước cũng giữ vai trò điều tiết, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, vật tư, hàng hóa. Hằng năm, doanh nghiệp nhà nước đóng gần 1/4 tổng thu ngân sách quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho gần một triệu lao động, xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các tập đoàn, tổng công ty đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng khi đi đầu trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn cả nước.
Theo Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Nie Kđăm, Đảng có chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt.
Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp khối trung ương thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách; nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự sâu sắc, dẫn tới những đánh giá mang tính tiêu cực, thậm chí phủ nhận vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước.
Từ thực tế đó, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đề nghị Chính phủ xem xét cho tổng rà soát lại các văn bản luật, nghị định, quy định của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhà nước để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị sửa đổi cho đồng bộ, thống nhất với chủ trương của Đảng; sớm có quy định về cơ chế Nhà nước đặt hàng khi doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do nhà nước giao, thực hiện phương thức lựa chọn cạnh tranh công khai. Các cơ quan nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.