(HNM) - Bước sang năm 2019, yêu cầu cải cách vẫn là mục tiêu lớn, có tầm quan trọng hàng đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa. Tất cả để duy trì đà cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế...
Chính phủ, các bộ, ngành đang nỗ lực cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.Ảnh: Viết Thành |
Những con số đáng ghi nhận
Trong tháng 1, cả nước đã tiếp nhận thêm 10.079 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 151 nghìn tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, quy mô vốn trung bình của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15 tỷ đồng. Nếu tính cả số vốn bổ sung, đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 484 nghìn tỷ đồng thì tổng số vốn mới được bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 lên tới hơn 635 nghìn tỷ đồng.
Theo xác nhận của Văn phòng Chính phủ, năm 2018 các cơ quan, đơn vị quản lý đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, tức đạt 54,5%. Kết quả này đã tiết kiệm được gần 900 tỷ đồng/năm cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, từ đó tiết kiệm được 5.400 tỷ đồng/năm. Kết quả trên đang và sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH Eco Mobile (hoạt động trong lĩnh vực phần mềm - trụ sở tại quận Thanh Xuân - Hà Nội), đơn vị thành lập tháng 11-2018, qua Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội được biết dịch vụ chọn số tài khoản ngân hàng trực tuyến theo yêu cầu của doanh nghiệp và đã chọn được 2 tài khoản ưng ý. "Tôi rất hài lòng về các dịch vụ..." - ông Tường chia sẻ.
Đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, nhìn chung doanh nghiệp đã cảm nhận rõ hơn những thuận tiện, thái độ nhiệt tình của cán bộ, công chức khi giao tiếp, thực hiện thủ tục hành chính với họ. Đặc biệt, thủ tục gia nhập thị trường, chỉ số thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện khá rõ; từ hạng 123 trong năm 2017 tăng lên 104 năm 2018 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Trên thực tế, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 đến nay, hầu hết các chỉ số liên quan đều được cải thiện theo thời gian. Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, Chính phủ, các bộ, ngành đang tỏ rõ khát vọng cải cách, với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh và qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Cần hỗ trợ liên tục và thực chất
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thủ tục hành chính vẫn bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện thường xuyên và thực chất hơn. Các ngành chức năng cần chủ động và phối hợp tốt trong hoạt động rà soát, bãi bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý, kiên quyết xóa nạn “giấy phép con”, giảm số lần kiểm tra chuyên ngành, cũng như kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi chi phí không chính thức...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, thời gian qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy tác dụng tích cực, nhất là đối với lĩnh vực thuế, hải quan và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn mong muốn nhận thấy sự nỗ lực liên tục, thái độ thân thiện và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trên thực tế, doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây, tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên - Hà Nội) cho biết, do nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất ngày càng hạn chế, nên một số đơn vị phải mua từ các tỉnh xa, kể cả nhập khẩu đã dẫn đến tăng giá của thành phẩm, gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn có chính sách phù hợp để được hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tiến tới sự ổn định về số lượng và giá nguyên liệu cho sản xuất lâu dài.
Như vậy, để tăng tốc cải cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả thì phải quy được trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng, tạo sự chuyển biến đồng bộ và liên tục với tinh thần phục vụ cao nhất. Trong cuộc họp về cải cách hành chính mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả của công tác cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp và nhắc nhở, khi người dân, doanh nghiệp hỏi vấn đề gì thì cơ quan chức năng phải trả lời. Khi đọc đơn, kiến nghị thì phải đặt mình vào cương vị người viết đơn thì mới giải quyết tốt được...
Muốn rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước phát triển trong khu vực, nền kinh tế phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm; trong đó “kịch bản” hợp lý nhất là đạt tốc độ tăng trung bình khoảng 7%/năm. Đây sẽ là mục tiêu tối cao và cần sự nỗ lực cao nhất trong công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, từ đó huy động tối đa nguồn vốn để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.