(HNM) - Liên tiếp các sự việc vi phạm đạo đức, chuẩn mực nhà giáo xảy ra tại một số địa phương trong những ngày qua đã khiến dư luận xã hội lo lắng, bức xúc. Trước thực trạng này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.
Giáo viên cần được bồi dưỡng cả kỹ năng tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy để tăng cường năng lực ứng xử sư phạm. Ảnh: Bá Hoạt |
Bắt đầu từ các trường sư phạm
Điểm qua các sự việc cho thấy, nếu như ở cấp mầm non, hiện tượng vi phạm đạo đức chủ yếu là bạo hành trẻ, thì lên đến cấp học phổ thông, những sai phạm về đạo đức nhà giáo xuất hiện ở nhiều mối quan hệ hơn: Giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh...
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) nhận định: Một số cơ sở đào tạo giáo viên còn nặng về dạy kiến thức, chưa chú trọng đến việc đào tạo về tâm lý học và phương pháp dạy học cho sinh viên. Vì vậy khi ra trường
đi làm, nhiều giáo viên thiếu kỹ năng, lúng túng trong xử lý các tình huống có vấn đề.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Các trường sư phạm cần là nơi tiên phong và chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo giáo viên, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ giáo dục hiện nay. Hai nhiệm vụ quan trọng, nền tảng trong công tác đào tạo giáo viên của trường sư phạm cần hướng tới là chú trọng về kỹ năng tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Trong quá trình đào tạo, các trường cũng cần nghiên cứu, dự báo về các tình huống sư phạm để đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên nhằm tăng cường năng lực ứng xử sư phạm, rèn kỹ năng ứng phó với các tình huống có vấn đề cho sinh viên.
Xác định vai trò quan trọng của các trường sư phạm đối với chất lượng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực của nhà trường, như tăng cường đầu tư, quy hoạch lại mạng lưới... Việc lọc đội ngũ giáo viên ngay từ khâu “đầu vào” đã được triển khai từ kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Kỳ tuyển sinh năm học 2019-2020, ngoài quy định riêng về học lực, hạnh kiểm cho đối tượng học sinh dự tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục áp dụng “điểm sàn” riêng cho các trường sư phạm.
Xác định rõ vai trò của kiểm tra, giám sát
Mỗi nhà giáo phải luôn tự hoàn thiện mình cả về chuyên môn, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Ảnh: Linh Ngọc |
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: Nguyên nhân của hiện tượng vi phạm đạo đức là do một số giáo viên chưa nêu cao ý thức tự giác, tinh thần tự học và trau dồi phẩm chất đạo đức. "Tai nạn nghề nghiệp" đôi khi còn xuất phát từ việc giáo viên hiện nay chịu nhiều áp lực từ yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi ngày càng cao của phụ huynh; do những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Thực tế ấy đòi hỏi mỗi nhà giáo phải luôn tự hoàn thiện mình cả về chuyên môn và đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.
Có một thực tế, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo nhưng hiện tượng vi phạm dường như chưa giảm. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: Việc thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên về tuân thủ các quy định đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc... là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả triển khai các văn bản. Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa ban hành đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Hy vọng đây sẽ là căn cứ cho việc chấp hành các quy định, trong đó có quy định về đạo đức nhà giáo được tuân thủ nền nếp, tạo niềm tin vững chắc với phụ huynh.
Về giải pháp chấn chỉnh các sai phạm đạo đức nhà giáo, bà Nguyễn Hoàng Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) nêu ý kiến: Các sự việc xảy ra cho thấy khi phát hiện sai phạm, cán bộ nhà trường, giáo viên thường tìm cách né tránh, đối phó thay vì nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, chấn chỉnh. Bởi vậy, ngoài việc tăng cường giám sát, cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh và kiên quyết xử lý sai phạm.
Khẳng định sự quyết liệt đối với những sai phạm đạo đức, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ nhà giáo, tại hội nghị toàn quốc về xây dựng trường học an toàn diễn ra ngày 17-4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về trường học an toàn, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm của đơn vị và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.
"Nếu giáo viên sai phạm đạo đức thì trước hết không được đứng lớp, nếu xác minh có sai phạm nghiêm trọng sẽ phải ra khỏi ngành, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng sai phạm ở nơi này lại điều động sang nơi khác hoặc dừng giảng dạy ở lớp này chuyển sang lớp khác dạy. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện về sự việc xảy ra tại đơn vị mình, nếu dung túng, bao che hoặc né tránh sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.
Nhằm nâng cao năng lực ứng xử, đạo đức nhà giáo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo là tiêu chí chính để nhân rộng ra các trường học trong cả nước. Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức đối thoại, chia sẻ với nhà giáo trên website và các phương tiện truyền thông; xây dựng cẩm nang “Xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường” và các câu chuyện về đạo đức làm tài liệu hỗ trợ nhà giáo trong quá trình giảng dạy... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.