Hà Nội kết nối

Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Nghiêm Ý 03/04/2024 - 14:56

Ngày 3-4, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

toadam.jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Theo thông tin tại tọa đàm, năm 2023 cả nước có 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên và khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Trong 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước, riêng lĩnh vực giáo dục chiếm đến 80%; biên chế của ngành giáo dục chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.

Dù là lực lượng đông đảo nhất với tính chất nghề nghiệp đặc thù, nhưng hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)...

Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, xã hội đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền và phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng.

Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (ví dụ: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), mức lương cơ sở còn thấp...

144531.jpg
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại tọa đàm.

Trước những thực trạng nêu trên, ngày 7-7-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Tuy nhiên, để xây dựng Luật Nhà giáo, cần thiết phải có luận cứ khoa học đầy đủ về chế định nhà giáo ở Việt Nam; cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng nhằm xây dựng một đạo luật nhà giáo điều chỉnh tổng thể các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo cũng như quá trình áp dụng các chính sách liên quan đến nhà giáo.

Trong khi đó, về phía địa phương, ông Nguyễn Quang Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh thiếu giáo viên trầm trọng. Mỗi năm tỉnh này tăng thêm khoảng 20.000 học sinh, trong khi đó, việc tuyển giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với chương trình mới.

Cũng theo ông Phong, để các chế độ, chính sách được đầy đủ hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đang phối hợp Sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên...

Tọa đàm cũng ghi nhận những chia sẻ các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển giảng viên trong nước và thu hút giảng viên nước ngoài tại Singapore, quá trình xây dựng và ban hành luật Nhà giáo tại Trung Quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.