(HNM) - Hôm nay 30-7, Đại hội đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ huyện Đan Phượng, nhiệm kỳ 2015-2020, chính thức khai mạc đúng vào thời điểm Đan Phượng được TP Hà Nội đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Một dấu ấn quan trọng nữa trong nhiệm kỳ vừa qua là huyện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Kết quả này khẳng định thành quả nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo tiền đề để Đảng bộ Đan Phượng vươn lên trong giai đoạn mới...
Nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng khẳng định: 5 năm qua, Huyện ủy triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ và nhân dân Đan Phượng đã giành được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu đạt ở mức cao.
Trong nhiệm kỳ, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng không ngừng được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ nhất là chi bộ nông thôn, phân công cán bộ lãnh đạo quản lý các phòng, ban huyện định kỳ xuống dự sinh hoạt với các chi bộ nông thôn mang lại hiệu quả tích cực. Huyện ủy đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". 100% tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân học tập các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hội viên đăng ký làm theo với những tiêu chí cụ thể, thiết thực. Cấp ủy các cấp triển khai nghiêm túc việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chỉ đạo kiên quyết khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm được chỉ rõ sau kiểm điểm. Đồng thời đề ra các giải pháp để thực hiện các nghị quyết, kế hoạch mà Huyện ủy đã ban hành như: Nghị quyết số 86 (2013) về triển khai Cuộc vận động "3 xây, 3 chống" trong thời kỳ CNH, HĐH (xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; chống suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống nghèo nàn lạc hậu); Nghị quyết 105 (2013) về giữ gìn và phát huy truyền thống huyện anh hùng; Kế hoạch số 80 (2013) về phòng chống suy thoái về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; Kế hoạch số 81 (2013) về xây dựng đội ngũ cán bộ huyện đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH...
Thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, cũng như trong rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác cán bộ có đổi mới mạnh mẽ, thực hiện đồng bộ, dân chủ, công khai, đúng quy trình. Cán bộ trẻ, cán bộ nữ được chú trọng. Huyện kịp thời kiện toàn bổ sung cán bộ chủ chốt huyện và cơ sở, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 83 đồng chí, hiệp y bổ nhiệm 38 đồng chí, kiện toàn 26 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, thị trấn. Công tác huấn học được chú trọng, đã tổ chức được 310 lớp bồi dưỡng cho 40.000 lượt cán bộ tham gia về kiến thức xây dựng Đảng, nghiệp vụ, chuyên môn. Đặc biệt, Đan Phượng đã mở 1 lớp đào tạo cán bộ nguồn cho cơ sở xã, thị trấn với 72 học viên.
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao là yếu tố quyết định giúp Đan Phượng giành nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,26%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2015 cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 48,6%; thương mại, dịch vụ 41,55%, nông nghiệp - thủy sản 9,85%.
Một kết quả nổi bật Đan Phượng đạt được đó là huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy nhận thức sâu sắc việc xây dựng nông thôn mới thực sự là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, là thời cơ huy động mọi nguồn lực, tạo sự bứt phá và phát triển toàn diện ở khu vực nông thôn, từng bước giảm khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương chính sách nên đã được nhân dân đồng thuận đóng góp công sức, tiền của tạo phong trào rộng lớn và hiệu quả thiết thực.
Trong xây dựng nông thôn mới, 5 năm đã huy động được trên 2.150 tỷ đồng cho công tác đầu tư; trong đó nhân dân đóng góp gần 202 tỷ đồng; doanh nghiệp, tổ chức kinh tế gần 98 tỷ đồng. Toàn huyện đã xây dựng được 22km đường trục thôn, 19km rãnh thoát nước; 136,7km đường ngõ, xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng; nhân dân đóng góp 413.722 ngày công và hiến 2.522,2m2 đất; xây dựng được 5,6km kênh mương. Đan Phượng có thêm 14 trường học đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã xây dựng, cải tạo 105 nhà văn hóa xã, thôn, cụm dân cư, 7 trạm y tế xã... Toàn huyện đến nay đã chuyển đổi được 951ha từ trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; giá trị sản phẩm và nuôi trồng thủy sản bình quân trên 1ha canh tác đạt 167 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục được tăng lên, năm 2015 ước đạt 28,8 triệu đồng/người/năm, gấp 2,06 lần so với năm 2010. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tiến bộ. Đến nay có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được thành phố đề nghị Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới năm 2014.
Kết quả đạt được và kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua sẽ tạo tiền đề để Đảng bộ huyện thực hiện tốt Chủ đề Đại hội thứ XXIII: "Phát huy truyền thống huyện anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững; quyết tâm xây dựng huyện Đan Phượng giàu đẹp, văn minh". Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng cho biết: Huyện quyết định chọn hai khâu đột phá là: Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, trung thực, tư duy đổi mới, trách nhiệm cao, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp ủy, trước hết là người đứng đầu; tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Tin tưởng rằng, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ thảo luận, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo đưa huyện Đan Phượng phát triển thành đô thị xanh, bền vững.
Những chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015 - 2020 Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân hằng năm 8,4%; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân hằng năm: 12% - 13%. Phấn đấu có thêm 10 trường (trên 90%) đạt chuẩn quốc gia. 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (theo tiêu chí mới). 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% hộ dân sử dụng nước sạch. 92% gia đình văn hóa, 80% làng (thôn), 100% phố đạt danh hiệu văn hóa, 71% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, 6 xã trở lên đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5%. Hằng năm có 90% đảng viên trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. 90% tổ chức cơ sở Đảng trở lên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó: Trên 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.