(HNM) - Phát triển chăn nuôi tập trung, xây dựng những mô hình khép kín gắn với chuỗi sản phẩm an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh… là kết quả đáng ghi nhận sau hơn 2 năm Hà Nội thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. |
Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm
Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Toàn thành phố hiện có đàn trâu gần 25.400 con, đàn bò khoảng 129.600 con, đàn lợn hơn 2 triệu con, đàn gia cầm hơn 30 triệu con. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng hơn 435 nghìn tấn/năm. Sản xuất chăn nuôi chiếm 50% GDP trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, qua đó xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín tập trung xa khu dân cư, phát triển các mô hình nuôi con đặc sản, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Sau hơn 2 năm triển khai, Hà Nội đã phát triển được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm; 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư...
Đặc biệt, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước. Đơn cử, mô hình nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản tại trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn). Với mô hình này, ngoài những ưu điểm về chất lượng, còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu cho hay, đàn lợn của trang trại luôn được kiểm soát tốt, không bị dịch bệnh. Đáng nói, giá sản phẩm luôn cao gấp 2-3 lần so với thịt lợn nuôi truyền thống.
Công nghệ cao - giải pháp đột phá
Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư vẫn chiếm gần 60%; mới có khoảng 10 hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn. Đáng chú ý, toàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó mới có 128 cơ sở được kiểm soát; số lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của Thủ đô. Giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới đạt 33,5%... Là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhận định: Chăn nuôi nhỏ lẻ đang là hạn chế lớn và đi kèm theo đó là rủi ro về dịch bệnh lẫn giá cả, thị trường tiêu thụ bị động.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là nông dân vẫn giữ tập quán chăn nuôi nông hộ. Trong khi đó, các huyện, thị xã chưa quyết liệt triển khai thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào chế biến giết mổ nên giá sản phẩm bấp bênh.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để khắc phục những khó khăn trên, tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải lấy công nghệ cao làm bước đi đột phá. Theo đó, Hà Nội sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Cùng với đó là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; xây dựng các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Cụ thể: Xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, sinh học đối với đàn bò thịt tại các huyện, thị xã Ba Vì, Sơn Tây, Đông Anh, Mê Linh, Mỹ Đức…; đàn bò sữa tại huyện Ba Vì, Gia Lâm… với quy mô bình quân 10 con/hộ chăn nuôi; phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, giảm chăn nuôi lợn thương phẩm, chú trọng phát triển đàn lợn nái ngoại và lợn nái thuần chiếm hơn 90% vào năm 2020 và 95% vào năm 2030. Đối với gia cầm, tập trung phát triển theo định hướng sản xuất con giống, gà đẻ trứng, gà thương phẩm, gà đồi, thả vườn; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi quy mô lớn và trại, trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì…
Để kiểm soát tốt vấn đề giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 2 cơ sở giết mổ tập trung tại huyện Thanh Oai và tại xã Quang Lãng, xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên); đồng thời, quy hoạch và triển khai 14 điểm giết mổ công nghiệp theo tiêu chuẩn châu Âu tại một số huyện ngoại thành. Cùng với quy hoạch, Hà Nội đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, có những tháo gỡ về nguồn vốn và quỹ đất.
Với những bước đi cụ thể, Hà Nội phấn đấu, đến năm 2020 giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn thành phố. Tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 4,5 đến 5%/năm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.