Xã hội

Nâng cao cảnh giác trong tháng “củ mật”

Triệu Dương 20/01/2024 15:06

Tháng Chạp tới, nhà nhà tất bật chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ. Đây là thời điểm hoành hành của tội phạm với nhiều hình thức phạm tội phức tạp, khó lường. Với sự phát triển của không gian mạng, thương mại điện tử, bên cạnh những loại tội phạm thường thấy, xuất hiện không ít hình thức vi phạm pháp luật mới, tinh vi. Chính vì vậy, mỗi người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trong tháng “củ mật”.

638401555621428147-luadao-1.jpg
Lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, phức tạp.

Hình thức phạm tội ngày càng tinh vi

Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) liên tục nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng dụ dỗ, mời chào tham gia đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số với lợi nhuận cao. Sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng ngắt kết nối với hệ thống, tìm mọi cách để chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư của họ. Có thể thấy sự liên quan của Coinbank, Meer, BSCL...; sàn tiền điện tử, website đầu tư tiền ảo như cobsna.vip, Salavia.vip, blnantrc9.com, blancoins.cc, GICAAP...

Thực tế cho thấy một số thủ đoạn lừa đảo, như tổ chức phát hành tiền ảo quy mô lớn, phân phối bằng phương thức kinh doanh đa cấp trái phép, tạo ra các dự án “ma” và thực hiện niêm yết “token” trên một sàn tiền ảo quốc tế, sau một thời gian ngắn sẽ “rút thanh khoản”, đồng tiền ảo rớt giá, nhà đầu tư mất trắng số tiền đã đầu tư. Một số “nạp” các loại tiền ảo khác vào phần mềm, website, sử dụng phần mềm để “đào” loại tiền ảo mới. Thông qua cơ chế trả lãi cao, trả thưởng để thu hút các cá nhân nạp thêm tiền, sau một thời gian thì hệ thống sẽ ngắt kết nối và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư. Việc trao đổi, mua bán tự do trên các sàn giao dịch tiền ảo, hội, nhóm với quy mô lớn đã tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch lừa đảo (scam), hoặc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Nhiều đối tượng phát hành tiền ảo để sử dụng trong hệ sinh thái đánh bạc trực tuyến trá hình, hoặc cố định giá trị tiền ảo ngang với tiền Việt Nam, trả lãi suất cao để huy động vốn trái phép.

Đại úy Lý Ngọc Tuấn, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, cho biết, đối tượng lừa đảo nhằm vào người lớn tuổi, cán bộ hưu trí, hình thức này dù đã cũ nhưng được biến tấu ngày càng tinh vi. Đó là mạo danh cơ quan công an, cán bộ tòa án, viện kiểm soát, gọi điện thoại nói rằng ai đó vướng vào vụ án, bị phạt vì lỗi giao thông để lừa người đối thoại... Các đối tượng phạm tội còn sử dụng hình thức liên lạc qua camera điện thoại để nạn nhân dễ mắc bẫy khi nhìn thấy hình ảnh người đang nói chuyện với mình mặc quân phục có tên, cấp bậc, mã số.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, thời gian vừa qua, Công an các quận Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông... đã phát hiện, ngăn chặn và điều tra làm rõ nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Mới đây, Công an quận Hoàng Mai đã làm rõ vụ đặt mua “sổ đỏ” giả, lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Theo đó, đối tượng phạm tội lên mạng xã hội đặt mua “sổ đỏ” giả rồi mang đi vay tiền. Với thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm đoạt được 125 triệu đồng của một phụ nữ nhẹ dạ... Tiếp đó, Công an huyện Ba Vì phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì, đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền người bị hại với số tiền lên tới 500 triệu đồng.

Cùng với thủ đoạn lừa đảo, tội phạm trộm cắp thể hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới. Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã bắt giữ Nguyễn Viết Phương (sinh năm 1987, ở số 291 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Văn Trường (sinh năm 1994, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Thông qua mạng xã hội Phương quen biết và được Trường dạy cách nổ máy xe mô tô mà không cần chìa khóa xe bằng cách sử dụng thanh kim loại chữ U đấu nối điện ở phần đầu xe. Cả hai đã liên tục gây ra nhiều vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cũng ngay từ đầu năm 2024, Công an quận Hai Bà Trưng đã triệt phá ổ nhóm trộm cắp xe máy do Nguyễn Tùng Dương (sinh năm 2002, trú tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cầm đầu. Qua tuần tra, người dân và Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt tại chỗ Lê Chí Long (sinh năm 1982, ở phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dùng vam phá khóa xe, tang vật là một chiếc xe máy mà Long vừa trộm cắp được.

638401555625328526-ha-noi-t.jpg
Tang vật thu từ những vụ trộm xe máy thời gian gần đây.

Tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm

Hiện tại, Công an 30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về thủ đoạn của giới trộm cắp. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, khẳng định, với mục tiêu giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, bảo đảm cho nhân dân yên vui đón năm mới, bên cạnh sự vào cuộc của Công an thành phố, trên các kênh thông tin chính thống, trang Facebook, Zalo, Công an thành phố Hà Nội đã nêu rõ thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm thường sử dụng để người dân biết cách phòng tránh. Vì thế, mỗi người dân cần theo dõi, cập nhật thông tin để không bị sập bẫy của lừa đảo, trộm cướp.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) nhìn nhận, việc đầu tư thông qua các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền điện tử nước ngoài hoặc giả mạo sàn giao dịch quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các sàn tiền ảo, tiền kỹ thuật số chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam và tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả cho nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp. Cơ quan công an đề nghị người dân không tuyên truyền, quảng bá để kêu gọi sử dụng những loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số khi cơ quan nhà nước chưa cấp phép. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn về tội phạm sử dụng tiền ảo làm công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần lập tức liên hệ để cơ quan Công an kịp thời giải quyết vụ việc theo quy định.

Khu phố cổ Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, vì vậy Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khuyến cáo: Để phòng ngừa tình trạng trộm cắp xe máy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không để tài sản ở những nơi vắng vẻ mà không có người trông coi. Nên để xe ở nơi có camera an ninh; dùng khóa chống trộm... Khi phát hiện dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, xác định công tác phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị đã triển khai tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng trộm cắp tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cảnh sát khu vực phối hợp Cảnh sát hình sự đã đến từng nhà để tuyên truyền, dán áp phích cảnh báo, công khai số điện thoại công an phường để người dân phối hợp. Công an phường đã gửi thông báo đến các chi nhánh ngân hàng, trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, tiệm vàng... nhằm tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng phạm tội cũng như một số biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan công an cũng lưu ý những cơ sở này nâng cao cảnh giác, liên hệ ngay với công an phường khi thấy các dấu hiệu bất thường; chủ động tố giác hành vi vi phạm pháp luật...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao cảnh giác trong tháng “củ mật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.