(HNM) - Hà Nội đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Dấu ấn ấy khẳng định một Thủ đô Hà Nội năng động, hội nhập và hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng.
Cho đến nay, khái niệm về Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO vẫn còn khá mới đối với nhiều người Việt Nam, song trên thế giới, danh hiệu này không xa lạ. Từ năm 2004 đến nay, UNESCO đã ghi danh 246 thành phố của hàng chục quốc gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Các thành phố tham gia mạng lưới đều đặt sáng tạo văn hóa, phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững.
Với bề dày nghìn năm văn hiến, kho tàng di sản văn hóa to lớn của Thủ đô sẽ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng phát triển các lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đồng thời, lợi thế của một trung tâm giao lưu văn hóa lớn, nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, là “chìa khóa vàng” để thành phố tiếp nhận và phổ biến tri thức, công nghệ mới. Nền tảng trên kết hợp với các yếu tố “đòn bẩy”, như sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục - đào tạo, cơ sở hạ tầng hiện đại, đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…, giúp Hà Nội nhanh chóng đạt được mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định vị thế thương hiệu của mình.
Thực tế, thời gian qua thành phố đã mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trên tinh thần “Hợp tác, đầu tư và cùng phát triển”; có nhiều chương trình thiết kế sáng tạo trên nền tảng giá trị văn hóa… Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị, cá nhân trong thiết kế sáng tạo và gieo mầm cho những ước mơ khởi nghiệp.
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Đặc biệt, tầm nhìn và thương hiệu của một Thành phố sáng tạo sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình dân sinh...
Vì thế, vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào phát huy được danh hiệu này trong thời gian tới.
Có lẽ, việc đầu tiên là phải tập trung nâng cao nhận thức về không gian sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô cho các cấp, ngành cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức và người dân, để từ đó nâng cao vai trò của sáng tạo; lồng ghép yếu tố này vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động.
Tiếp đó cần xây dựng những kế hoạch cụ thể định hướng cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động sáng tạo; có những cơ chế, chính sách, quy định mang tính pháp lý cho các không gian sáng tạo, hay những hỗ trợ để các không gian, ý tưởng sáng tạo có thể phát triển, trở thành nét đặc trưng riêng của Hà Nội, định vị thương hiệu của Thủ đô.
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, chắc chắn yếu tố thiết kế sáng tạo, phát huy giá trị của nền tảng truyền thống văn hóa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, với con người là trung tâm sẽ được đề cập, nhấn mạnh hơn khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đó, bản thân mỗi người dân cũng cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo của mình; đồng hành cùng thành phố đưa sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô.
Đạt được danh hiệu vô cùng quan trọng, nhưng việc tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả danh hiệu còn quan trọng hơn. Việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là vinh dự lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức để tận dụng cơ hội này, thương hiệu này mang lại những tác động tích cực với sự phát triển bền vững của thành phố, hướng tới tầm vóc Thủ đô sáng tạo ở khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.