(HNM) - Không chỉ năm 2014 mà cả năm 2015 ngân sách sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở...
Do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, nên chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Nguồn: Dân Trí. |
Trước đó, UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2015.
Theo báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH năm 2014 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày, tình hình KT-XH 9 tháng năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm, tình hình KT-XH năm 2014 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT- XH không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, con số 52.525 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi đó số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873 trong 9 tháng đầu năm 2014 sẽ tác động tiêu cực đến việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Các ý kiến phát biểu sau đó cũng nhận định, không chỉ năm 2014 mà cả năm 2015 ngân sách sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở... Do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; công khai, minh bạch trong định giá và điều hành giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động trên tất cả lĩnh vực…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.