(HNM) - Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, gần 30 triệu người, tương đương khoảng 30% dân số Mỹ Latinh và Caribe đang đứng trước nguy cơ quay lại cảnh nghèo đói
Gần 30% dân số Mỹ Latinh có nguy cơ tái nghèo. |
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, có đến 220 triệu người tại Mỹ Latinh - tương đương 38% dân số - dù không chính thức xếp vào diện nghèo cùng cực nhưng đang đối mặt với nguy cơ tái nghèo cao, khi chỉ sống với mức thu nhập chưa đến 10 USD/ngày. Trước đó, theo số liệu của UNDP, những bước phát triển nhanh chóng đã khiến Mỹ Latinh và Caribe giảm được khoảng 8 triệu người nghèo trong giai đoạn 2003 - 2008 và 5 triệu người nghèo trong giai đoạn 2009 - 2013. Tuy nhiên, trong các năm 2015 và 2016, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng số người nghèo sau nhiều thập kỷ.
Trong giai đoạn 2005 - 2015, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc và triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế Mỹ, kinh tế Mỹ Latinh được xem là một điểm sáng với những bước phát triển ổn định và năm nào lục địa này cũng "qua mặt" Châu Âu về tốc độ tăng trưởng. Sự cải thiện về giáo dục và cơ hội lao động tăng lên đã cho phép 72 triệu người (gần một nửa là ở Brazil) vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, thậm chí trở thành tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lục địa của những vũ điệu sôi động này chìm đắm trong sự trì trệ kéo dài và trên diện rộng. Giá dầu mỏ giảm kèm theo những bất ổn chính trị đã đẩy nhiều quốc gia trong khu vực vào tình thế hiểm nghèo. Brazil là một ví dụ điển hình.
Với quốc gia này, những lĩnh vực kinh tế ngoài dầu mỏ đã liên tục bị tác động tiêu cực và đưa dầu thô đã chiếm tới 96% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2013. Khi giá của loại tài nguyên hóa thạch này lao dốc, nội lực của nền kinh tế từng dẫn đầu Nam Mỹ trong những năm 80 của thế kỷ trước bỗng tan thành mây khói. Trong khi đó, sự can thiệp của chính quyền vào thị trường hối đoái nhằm làm sụt giá đồng real, việc thực hiện bảo hộ mậu dịch, tăng thuế 25% đối với 100 mặt hàng, tăng kiểm soát lên 60% đối với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí, điện lực, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng đã đem đến những tác dụng ngược.
Từ vị trí "con cưng" của Phố Wall, đầu tư nước ngoài vào Brazil suy giảm mạnh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số quốc gia khác trong khu vực mà Venezuela là một ví dụ điển hình. Không có sự bùng nổ như Brasilia, nhưng Caracas từng là một hình mẫu về những chính sách kinh tế táo bạo theo hướng dân túy. Nhưng cũng vì sự lệ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ nên đất nước này đang rơi vào cơn khủng hoảng toàn diện, từ chính trị đến lương thực, thực phẩm, điện, nước…
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, hiểm họa ẩn nấp sau những bước đi thần kỳ của Mỹ Latinh có nguy cơ kéo châu lục này trở lại vạch xuất phát. Sự bấp bênh về việc làm, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ vẫn luôn là điểm yếu của nhiều quốc gia trong khu vực. Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jessica Faieta cho rằng: Trong sự phát triển của Mỹ Latinh vẫn tồn tại những yếu kém thuộc bốn nhóm chính sách gồm bảo trợ xã hội, các hệ thống chăm sóc y tế (đặc biệt cho trẻ em và người già), sở hữu tài sản tư và cải thiện kỹ năng lao động. Đây được xem là những yếu tố có thể giúp người dân có "sức đề kháng" trước những biến động tiêu cực của nền kinh tế. Một lý do nữa là, dù từ đầu thế kỷ này, nhiều nền kinh tế Mỹ Latinh đã khởi sắc nhanh chóng nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên và cây trồng nhưng lại không tích lũy được nguồn tài chính và xây dựng hạ tầng cơ sở đủ mạnh để đối phó với những tác động khi kinh tế suy giảm. Bên cạnh đói nghèo, hiện nay Mỹ Latinh và Caribe vẫn là khu vực có chỉ số bất bình đẳng cao nhất, đặc biệt đối với phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và người bản xứ.
Cách đây không lâu, Mỹ Latinh được ngưỡng mộ vì những thành công vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bầu không khí khủng hoảng bao trùm khu vực đang trực tiếp phá hủy những thành quả mà lục địa này đạt được. Câu chuyện buồn này cũng mang tới nhiều điều đáng suy ngẫm và khẳng định thêm thực tế rằng: Bên trong quá trình phát triển luôn tồn tại những chiếc bẫy vô hình và để khắc phục những tác động của chúng đòi hỏi sự tái cơ cấu sâu rộng, quyết liệt nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.