(HNM) - Ngày 24-1-2019, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, tác phẩm Những mảnh ghép quân vương (Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2018) đứa con tinh thần của Tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Bích Yến ấp ủ, mong chờ bấy lâu nay được giới thiệu.
Nhận được sách, tôi dành trọn một ngày (17-1) đọc một mạch toàn bộ 676 trang, không phải để giải trí mà để rút ra những cảm nhận cần thiết. 86 câu chuyện - mảnh đời của 86 nhân vật, chia làm 3 phần: Văn hóa - nghệ thuật; Chính trị - xã hội và báo chí - truyền thông; Kinh tế - kinh doanh. Quả là lúc đầu hơi bị ngán, nhưng càng đọc càng cuốn hút và tôi đã ghi chép tóm tắt hơn chục trang thu hoạch - từ những trang viết của một cây bút nữ, một đồng nghiệp, tiến sĩ báo chí, có thể coi là trẻ.
Một trong những cảm nhận xuyên suốt thể hiện trong các chân dung, nhân vật, điều mà tôi có thể rút ra là: Muốn tỏa sáng thì hãy cháy lên! Nguyễn Thị Trường Giang, một trong những nữ phó giáo sư, tiến sĩ báo chí trẻ tuổi nhất ở Việt Nam hiện nay đã thốt lên như vậy. Sau khi chị được cử tham dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 19, do Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tổ chức tại Mátxcơva, Liên bang Nga, Bích Yến đã phỏng vấn và viết về nữ PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (trang 543), rằng Đam mê và khát vọng đã chắp cánh cho nữ giảng viên báo chí này vươn tới tầm cao.
Trong 86 câu chuyện - nhân vật đã tận hiến cho các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật bao gồm điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn chương; các học giả, chính khách, các nguyên thủ quốc gia - những nhà hoạt động chính trị, xã hội; các nhà hoạt động trên lĩnh vực báo chí - truyền thông; hơn chục doanh nhân người Việt ở trong và ngoài nước, người nước ngoài ở Việt Nam. Với Nguyễn Thị Bích Yến, 86 câu chuyện - 86 nhân vật, tùy từng mức độ khác nhau, nhưng tất cả đều hòa chung một tâm niệm: Muốn tỏa sáng thì hãy cháy lên niềm đam mê và khát vọng, để đi đến thành công trong sự nghiệp, bắt đầu từ những công việc thường ngày, những phận sự dù nhỏ nhất. Và chính tác giả Nguyễn Thị Bích Yến cũng là hiện thân của niềm đam mê và khát vọng vươn lên, góp phần sức nhỏ của mình xây dựng quê hương - Tổ quốc Việt.
Đam mê văn chương, võ thuật từ bé, nhưng khi lớn lên, Nguyễn Thị Bích Yến lại theo học ngành kinh tế và cuối cùng thì... làm báo và nghiên cứu báo chí. Năm 2008, Bích Yến đã đạt Giải tác giả trẻ, tập truyện ngắn Một nửa là người của Ủy ban Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng trong năm đó, Bích Yến đã đoạt giải 5 Gương mặt do công chúng bình chọn, Báo Lao động Thủ đô. Sau đó, chị may mắn là một trong hai nhà văn - nhà báo được Hội Hữu nghị Áo - Việt, Liên đoàn Lao động công đoàn Cộng hòa Áo, mời tham gia chương trình giao lưu văn hóa. Lúc đó, chị cũng nhận được học bổng hỗ trợ của một Quỹ học bổng quốc tế cho chương trình thạc sĩ. Và chị đã chọn Báo Wiener Zeitung (một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới hiện đã trở thành tập đoàn), Cộng hòa Áo để thực tập.
Duyên phận, từ năm 2011, Nguyễn Thị Bích Yến - sau khi lập gia đình, “vù” qua châu Âu sinh sống. Cơ hội mới, chị tiếp tục học hỏi, tìm tòi nghiên cứu và viết văn, viết báo, viết các chuyên đề nghiên cứu. Trong nước, chị làm phóng viên Báo Văn nghệ; đến Cộng hòa Áo, chị vẫn tiếp tục làm đại diện cho Báo Văn nghệ (cộng tác viên của nhiều báo, đài lớn của Việt Nam) tại Áo, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc tại Vienna (chị được cấp thẻ nhà báo quốc tế). Đồng thời, chị làm nghiên cứu chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại một số cơ quan báo chí lớn nhất tại Áo (và uy tín tại châu Âu) - Wiener Zeitung, APA, ORF... Đắm mình trong môi trường báo chí hiện đại, Bích Yến vẫn đau đáu hướng về quê hương, đất nước - Tổ quốc Việt.
Từ năm 2009, Bích Yến đã cùng các thầy của mình đặt nền móng, kết nối, tổ chức các chương trình đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông và trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo, EU. Hàng trăm lượt nhà báo, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học, lãnh đạo báo chí, truyền thông của hai quốc gia đã được tham gia chương trình này. Hàng chục cuộc hội thảo khoa học quốc tế và công trình khoa học, chuyên san được xuất bản chung, được các nhà khoa học hai nước và nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, nguyên Tổng thống Áo Heinz Fischer... đánh giá cao.
Nguyễn Thị Bích Yến tham dự nhiều sự kiện quốc tế, gặp gỡ nhiều nhân vật, từ tầng lớp bình dân đến giới trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, chính khách, nguyên thủ của nhiều quốc gia. Cho đến khi đọc được cuốn Quân vương (1513) của sử gia, chính trị gia, nhà ngoại giao, triết gia và nhà văn Ý thời phục hưng Niccolò Machiavelli, biết về những nguyên lý cơ bản của thuật trị quốc, cảm được tầm nhìn thấu suốt của một đấng Quân vương, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến nhận ra: Hầu hết những nhân vật từng gặp, đã tác nghiệp đều là những người có phẩm chất, đam mê và khát vọng, có những đóng góp nhất định cho xã hội. Và cuốn sách Những mảnh ghép Quân vương đã ra đời như thế - 86 câu chuyện, chân dung của những con người mà tác giả đã gặp, trải nghiệm.
Trong từng câu chuyện và nhân vật, ngòi bút của Bích Yến rất có chiều sâu, khắc họa tính cách, nội tâm nhân vật dung dị, dễ nhớ, dễ cảm nhận. Ở đây, chỉ xin nêu vài ba dẫn chứng ngắn gọn, trong số 86 chân dung - nhân vật Những mảnh ghép Quân vương. Với nhà văn Tô Hoài, những trang viết của Bích Yến trân trọng mà rất đằm thắm. Điều chị rút ra từ nhà văn đại thụ này: Muốn thành công thì chăm chỉ tự học và phải chuyên sâu. Sự lười biếng, hời hợt, nông cạn sẽ tự giết chết sự nghiệp. Với Phó Giám đốc Hãng phim truyện, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Bích Yến cảm nhận từ ông “Bóng dáng một nhà triết học, là con người của tài hoa, giàu lòng nhân ái”. Với Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng, một hậu duệ của danh nhân Nguyễn Huy Tự, Bích Yến khắc họa sâu đậm một tấm lòng khắc khoải, niềm vui và nỗi buồn đan xen, yêu nhớ quê hương khôn cùng - Về cùng nước Việt của ta…
Đọc và tạm khép lại Những mảnh ghép Quân vương - những câu chuyện, số phận, cuộc đời nhân văn và trách nhiệm, nhiều bài học sinh động, sự trải nghiệm có thể rút ra từ một tác giả, nữ nhà báo - tiến sĩ báo chí trẻ tâm huyết, đầy trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.