Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, khi quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.
Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong bài viết mới đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.
Trong các cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra: Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Nguy cơ “lợi ích nhóm” bao trùm lên mọi nguy cơ khác
PV: Tháng 6/2015, ông từng có bài viết “Lợi ích nhóm và Chủ nghĩa tư bản thân hữu – cảnh báo nguy cơ”. Ông có thể nói rõ hơn về nguy cơ này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Đối với quản trị quốc gia, cần phải quan tâm tới lợi ích đó chính đáng thì mới tạo nên động lực. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy, thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, mà trước sau gì nhất định cũng sẽ thất bại.
Ngược lại, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn.
Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. “Lợi ích nhóm” sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực và tham vọng tiền bạc.
Tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực, chức vụ, tham nhũng chính sách… đều liên quan đến lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm cũng chính là một kiểu tham nhũng có tổ chức, tham nhũng nghiêm trọng nhất.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một biến chứng, một sự tha hóa trong quá trình phát triển không lành mạnh của các quốc gia. Nó không chỉ riêng ở các nước tư bản mà kể cả các nước có chế độ chính trị khác nhau. Ngay cả ở các nước tư bản, hay các nước mới áp dụng kinh tế thị trường… người ta cũng rất lo sợ nguy cơ này, vì nó tàn phá quốc gia và xã hội.
“Lợi ích nhóm” phát triển tràn ngập, phổ biến, nghiêm trọng thì tất yếu dẫn đến “tư bản thân hữu”. Vì vậy “chủ nghĩa tư bản thân hữu” như là kết quả tất yếu, một hệ quả của lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm đến lúc phát triển thành chủ nghĩa tư bản thân hữu thì vô cùng tác hại đến sự phát triển của quốc gia, niềm tin bị đánh mất, văn hóa bị suy đồi, chế độ chính trị bị đổ vỡ, sức mạnh nội sinh của dân tộc cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Nó dẫn đến tác hại toàn diện và nó cũng là nguy cơ bao trùm lên mọi nguy cơ khác.
Nghị quyết của Đảng nói đến 4 nguy cơ: nguy cơ về tụt hậu, về tham nhũng, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ diễn biến hòa bình. Bốn nguy cơ này đều liên quan đến lợi ích nhóm, do lợi ích nhóm tác động.
Trong Nghị quyết chưa nói rõ điều này, nhưng ngày nay chúng ta còn có một nguy cơ nữa đó là thế lực bành trướng của Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông. Nguy cơ này chưa thể hiện thật rõ trong các nhóm nguy cơ nhưng nó là nguy cơ liên quan đến các nhóm nguy cơ khác.
PV: Trong lĩnh vực kinh tế lợi ích nhóm, tư bản thân hữu có việc thiên vị các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với nhà nước đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp với quản lý kinh tế lành mạnh. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Họ quen thân với cơ quan quản lý nhà nước, họ tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước, họ “tham mưu” để đưa ra những quy định trong các văn bản của nhà nước theo hướng có lợi cho nhóm họ. Và khi có lợi cho nhóm cá nhân thì thiệt cho cái chung. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thuế, chính sách ưu đãi… người ta hoàn toàn có thể làm được việc đó và cái đó chỉ có lợi cho một bộ phận doanh nghiệp. Điều đó tạo ra một môi trường không bình đẳng, không có cạnh tranh lành mạnh và khiến những người làm ăn chính đáng rất chán.
Bây giờ lợi ích nhóm còn quốc tế hóa, ra bên ngoài biên giới quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài. Vụ Formosa ở Hà Tĩnh vừa qua, không thể loại bỏ lợi ích nhóm trong đó. Tại sao vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra như thế nhưng lâu ngày mới phát hiện?
Có nhiều việc cơ quan nhà nước, trong sinh hoạt Đảng không phát hiện được tham nhũng mà người dân và truyền thông phát hiện được. Đó chính là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, tha hóa của một số cơ quan và những cán bộ trong các cơ quan đó.
Chúng ta nên có văn hóa cách chức và từ chức. Ở các nước, dù không có trách nhiệm trực tiếp nhưng nếu để xảy ra sai phạm, người quản lý cũng sẽ từ chức. Bởi đó là đạo đức, là tự trọng chứ không phải là một sự xấu hổ như quan niệm của nhiều người. Còn chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm thì chưa đủ sự răn đe và cũng có nghĩa là “vô tình” dung túng. Mà dung túng có nghĩa là tiếp tục để các hiện tượng tiêu cực phát triển. Xử cho nghiêm, minh bạch thông tin không vì ghét ai mà hành xử vì việc lớn, vì quân pháp bất vị thân, vì bộ máy nhà nước tốt hơn, quốc gia bền vững hơn.
Bổ nhiệm người nhà là biểu hiện của tham nhũng quyền lực
PV: Vừa qua, báo chí tiên tục phản ánh việc bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan ở một số địa phương. Theo ông, đây có phải là một biểu hiện của lợi ích nhóm?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đây chính là biểu hiện của lợi ích nhóm, hay vẫn thường gọi là tham nhũng quyền lực, tham nhũng “ghế”. Đối với những người đó, có quyền lực để có nhiều tiền; có tiền nhiều hơn để có quyền lực nhiều hơn. Họ dùng tiền để “chạy”. Cứ thế, quyền lực và tiền thúc đẩy lẫn nhau tiến lên. Nhưng nó vừa thúc đẩy lẫn nhau lại vừa làm tha hóa nhau, chịu sự tác động của mặt trái của đồng tiền và mặt trái quyền lực.
PV: Tại sao những vụ bổ nhiệm cán bộ có “vấn đề” đều được cho là "đúng quy trình", thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Quy trình không phải là một mục đích, cũng không phải là nguyên tắc tối cao, mà mục đích chính là quy trình đó sẽ cho ra sản phẩm tốt. Thiếu gì chuyện được cho là làm đúng quy trình nhưng cuối cùng ra một kết quả không tốt.
Mục đích cuối cùng của công tác cán bộ là tìm được cán bộ tốt, giỏi, tập hợp được nhân tài thì đó mới là yêu cầu. Còn nếu tập hợp cả những người xấu, người hư hỏng vào trong bộ máy mà không tập hợp được người tài, tức là quy trình đó chưa đạt yêu cầu, quy trình đó phải sửa, phải đổi cho phù hợp với yêu cầu. Mặt khác, phải coi lại xem ai đó lợi dụng quy trình hay không. Cũng quy trình ấy, với người có động cơ tốt thì sẽ cho ra sản phẩm tốt và ngược lại. Thực tế, nhiều người có quyền lực, cũng vận dụng quy trình, cũng thực hiện biểu quyết giơ tay đầy đủ và tỷ lệ nhất trí là 100%. Cuối cùng với quy trình như vậy, người nhà của lãnh đạo được cất nhắc lên vị trí cao rất “đúng quy trình”.
PV: Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, có ý kiến cho rằng, còn cần thời gian để làm sáng tỏ nhưng bước đầu có thể nhìn ra có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, của tệ chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu… Ông có bình luận gì về ý kiến đó?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh có biểu hiện của lợi ích nhóm. Nếu không có nhóm lợi ích thì làm sao ông Thanh lại lảng tránh được trách nhiệm như vậy để lên những vị trí cao hơn. Tôi đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư. Cần phải làm rõ: Trách nhiệm của ông Thanh đến đâu? Đằng sau ông Thanh những ai đã giúp đỡ, dung túng, bao che? Người nào đã tiếp tục thúc đẩy đưa ông Thanh làm những việc này, việc khác? Vụ việc cần phải được làm tiếp để lộ mặt nhóm lợi ích.
Vì trách nhiệm với xã hội, với đất nước, vụ việc cần phải làm cho rõ, minh bạch đến cùng thì mới đủ sức răn đe. Nếu thông tin bị bưng bít, không được làm đến cùng thì sẽ làm cho “cơ thể” xã hội mất sức đề kháng.
PV: Lợi ích nhóm, tư bản thân hữu kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vậy, theo ông để chống lợi ích nhóm, kiểm soát quan hệ thân hữu và bài trừ nguy cơ tư bản thân hữu cần những giải pháp cụ thể như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Giải pháp đầu tiên phải kiểm soát quyền lực. Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân.
Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan lãnh đạo quản lý, đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời và mơ hồ.
Nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại, mà còn phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước.
Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…).
Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý. Việc kiểm soát quyền lực là câu chuyện hết sức quan trọng, nó liên quan đến nhiều vấn đề khác, kể cả những lĩnh vực mà lâu nay gọi là “nhạy cảm”, nhưng phải bàn sâu, thảo luận đến cùng, và tỉnh táo nữa, để sửa đổi cho tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.