Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu tổng quát cần khái quát cao hơn

Đinh Thanh Bình| 07/11/2020 06:57

(HNM) - Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 có ý nghĩa định hướng quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nội dung này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên theo tôi, cần khái quát cao hơn nữa.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam.

Trong phần “Mục tiêu tổng quát” của dự thảo Báo cáo nêu trên có nội dung: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Có thể nói, mục tiêu trên bao quát đầy đủ các nội dung phương hướng cơ bản trên các lĩnh vực phải tập trung thực hiện trong 5 năm 2021-2025. Nội dung vừa có sự đồng bộ, thống nhất với mục tiêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, vừa có những nét đổi mới so với nhiệm kỳ 2016-2020. Nổi bật như “phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, “phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân”... Những trụ cột chính trong mục tiêu 5 năm 2021-2025 nêu trên là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương, văn minh; đem lại đời sống hạnh phúc cho nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế…, vốn đang được cả nước quan tâm thực hiện, nên hoàn toàn bảo đảm tính khả thi.

Thách thức đáng kể nhất là mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, cụ thể là đạt từ 4.700 đến 5.000 USD/người/năm vào năm 2025. Theo dự tính của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người nước ta đạt khoảng 3.490 USD/người/năm; khoảng cách không quá lớn, nên có thể thấy rõ tính khả thi, nhất là khi nhìn vào kết quả GDP bình quân đầu người năm 2020 nêu trong báo cáo cao gấp 1,3 lần năm 2015.

Tuy nhiên, theo tôi, “Mục tiêu tổng quát” có dung lượng gần 250 từ là dài, tính khái quát chưa cao. Trong khi đó, dung lượng "Mục tiêu tổng quát" trong dự thảo Báo cáo chính trị cũng chỉ có 132 từ. Do đó, tôi đề nghị “Mục tiêu tổng quát” chỉ nên dưới 200 từ để bảo đảm đúng tính chất “khái quát”.

Tôi cho rằng, có thể lược bớt nội dung “Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế”, bởi vì nội dung về kinh tế liền trước đã bao hàm tất cả; để “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, “phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020”, “vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” thì đương nhiên phải nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trước mắt phải tập trung khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Ngoài ra có thể lược bớt cụm từ “Nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội”, vì nội dung “bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân” liền trước đã bao hàm và thay thế nội hàm này. Cũng có thể lược bỏ cụm từ “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” trong phần “tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia…” vì đây là nhiệm vụ, giải pháp chứ không phải mục tiêu.

Mục tiêu tổng quát sau khi lược bớt như đề xuất trên có thể rút gọn lại như sau: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu tổng quát cần khái quát cao hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.