(HNM) - Ngành Giao thông - Vận tải đang tập trung mọi nguồn lực triển khai các dự án để đến năm 2022 cả nước có khoảng 2.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các dự án thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tránh tình trạng vì mục tiêu “về đích” mà dễ dãi nới lỏng các tiêu chuẩn của cao tốc, dẫn đến không bảo đảm chất lượng, kém hiệu quả.
Năm 2012, cả nước mới có 139km đường cao tốc, gồm thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km) và Đại lộ Thăng Long (30km).
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từ năm 2012 đến nay, ngành Giao thông - Vận tải đã tập trung mọi nguồn lực, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến cao tốc lớn trên địa bàn cả nước. Nhờ đó, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc được đầu tư mới. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm có tính kết nối liên vùng, tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội - Hải Phòng (105km), thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km)...
Không dừng lại ở đó, Bộ Giao thông - Vận tải đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm. Hiện, 14 dự án cao tốc khác đã có nguồn vốn đầu tư với tổng chiều dài 811km, gồm 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam (dài 654km) và 3 dự án khác dài 157km là cao tốc Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, Vân Đồn - Móng Cái và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Toàn bộ 14 dự án này dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2022, khi đó sẽ nâng số kilômét đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác lên khoảng 2.000km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, với tuyến cao tốc Bắc - Nam, công trình trọng điểm quốc gia, Bộ yêu cầu các ban quản lý dự án phải làm chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm cá nhân; rà soát kỹ lưỡng số lượng máy móc, nhân sự… của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu để ngăn chặn ngay nhà thầu yếu, không đủ năng lực tham gia vào dự án.
Việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh hệ thống cao tốc làm "đòn bẩy" cho giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng. Tuy nhiên, theo ông Đào Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thông tin (Viện Khoa học công nghệ giao thông - vận tải), không ít cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng bề mặt bê tông nhựa, hằn lún vệt bánh xe... Cụ thể như cao tốc Long Thành - Dầu Giây nứt ngay sau khi vừa thông xe; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún nứt sau 5 tháng thông xe; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng bị lún nứt, xuất hiện “ổ gà” sau khi thông xe không lâu...
Trước thực trạng trên, ngành Giao thông - Vận tải cần tránh tình trạng vì muốn đáp ứng mục tiêu “về đích” theo kế hoạch mà dễ dãi nới lỏng các tiêu chuẩn cần có của cao tốc, dẫn đến không bảo đảm chất lượng, kém hiệu quả, mất an toàn giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác giám sát kiểm tra chất lượng các công trình theo định kỳ; rà soát lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm tính đồng bộ...
Tại lễ khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98km (1 trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam) tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực khiến công trình kém chất lượng như một số công trình xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, phải ngăn chặn tình trạng các đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thông đồng, mua chuộc chủ đầu tư làm công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh sau khi hoàn thành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.