Giao thông

Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về đường cao tốc thiếu dải phân cách cứng

Theo Lao Động 19/02/2024 - 16:14

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc, không ít ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này do cao tốc thiết kế 2 làn xe, thiếu dải phân cách cứng.

Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về đường cao tốc thiếu dải phân cách cứng
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Quảng An

Trao đổi với phóng viên vào chiều 19-2, ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, các vụ việc cụ thể, cơ quan điều tra đang vào cuộc. Chúng ta phải chờ kết quả điều tra mới biết rõ được nguyên nhân, từ đó có thể quy trách nhiệm và các giải pháp phù hợp.

Hiện nay, Bộ GTVT đã tiếp nhận được các thông tin về khâu thiết kế đường cao tốc chưa tốt như thiếu dải phân cách cứng, làn khẩn cấp… Vấn đề này, Bộ GTVT đã có kiến nghị xây dựng bổ sung. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nên chưa thể triển khai ngay.

Ông Dũng cho rằng, trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc, lực lượng chức năng cần tổ chức tốt giao thông.

Ở góc độ tài xế, phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chú ý quan sát, giữ khoảng cách, đảm bảo tốc độ, vượt xe trên những đoạn đường được phép vượt và quan sát kỹ khoảng cách an toàn, xe phía trước nhường đường thì xe sau mới vượt được.

Liên quan đến việc xây dựng đường cao tốc, trước đó, chia sẻ tại hội nghị tổng kết Cục Đường bộ Việt Nam năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, chúng ta bị động trong thực hiện đường cao tốc. Do đó, bên cạnh sự đánh giá tích cực của người dân, không ít người bày tỏ phàn nàn, trăn trở với đường cao tốc.

Ví dụ như một số đường cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS… rồi vấn đề duy tu bảo dưỡng còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề làn dừng khẩn cấp.

“Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, tại sao không làm làn dừng khẩn cấp. Ai chẳng muốn làm nhưng tiền đâu mà làm?”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu, tính toán sơ bộ, để đầu tư làn dừng khẩn cấp sẽ mất khoảng 50-70 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn lực đầu tư có hạn. Do đó phải tính toán kỹ vấn đề này.

Thay vì chưa xây được làn khẩn cấp, cần bù đắp lại bằng khâu tổ chức giao thông. Nếu tổ chức tốt có thể tiết kiệm được nhiều tiền mà vẫn đảm bảo.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp trong khi mục tiêu phải hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025 ngày càng gây sức ép, chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h, chưa có làn đường khẩn cấp được thông qua.

Bộ GTVT cho biết, hiện nay, một số tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe cơ giới với làn dừng khẩn cấp không liên tục, được đầu tư và đưa vào vận hành khai thác với tốc độ tối đa 80km/h.

Do đó, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam với chức năng là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát các yếu tố kỹ thuật có liên quan của công trình đường bộ cao tốc phân kỳ đầu tư đang khai thác hoặc đang chuẩn bị, thực hiện đầu tư có 4 làn xe cơ giới (phần xe chạy 2 làn mỗi bên).

Từ đó, đánh giá tính phù hợp và quyết định việc nâng tốc độ khai thác lên 90km/h thống nhất trên các tuyến đường cao tốc với quy mô nêu trên.

Điều này đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức giao thông đối với đường ô tô cao tốc phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cơ giới, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các chủ đầu tư dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư chủ động điều chỉnh phương án tổ chức giao thông hoặc các giải pháp kỹ thuật cần thiết, điều chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật (biển báo, vạch sơn...) đáp ứng việc nâng tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về đường cao tốc thiếu dải phân cách cứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.