Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa lễ hội xuân Đinh Dậu đã sẵn sàng

Hoàng Lân| 31/01/2017 07:41

(HNMO) – Từ mùng 5 – 6 tháng Giêng (tức ngày 1 - 2/2/2017) nhiều lễ hội trên địa bàn Hà Nội bắt đầu khai hội. Các địa phương đã chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức để đảm bảo lễ hội diễn ra đúng tinh thần an toàn, văn minh.

Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn sẽ diễn ra vào ngày mai (2/2 tức mùng 6 tháng Giêng).


* Trống hội đã điểm

“Đến hẹn lại lên”, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội tất bật chuẩn bị tổ chức những lễ hội truyền thống. Theo truyền thống, năm nay Lễ hội Gò Đống Đa sẽ khai hội vào sáng mùng 5 tháng Giêng (tức 2/2/2017) tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa). Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2017), tưởng nhớ công lao của người Anh hùng áo vải: vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Lễ hội Gò Đống Đa năm nay được tổ chức với quy mô hoành tráng và long trọng với sự tham gia đầy đủ của các bô lão, đội tế… thực hiện nghi lễ tế rước theo đúng truyền thống. Sau phần lễ là hội – màn sử thi do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn, khắc họa lại câu chuyện tình đẹp của vua Quang Trung với công chúa Lê Ngọc Hân, cũng như ca ngợi chiến công lớn lao của ông trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.

Ngày mùng 6 tháng Giêng (tức ngày 2/2), đồng loạt nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội khai hội, hứa hẹn sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch như Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức), Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh)…

Lễ hội Chùa Hương khai hội vào sáng mùng 6 tháng Giêng tại không gian chủa Thiên Trù (ảnh minh họa).


Lễ hội Chùa Hương - (Mỹ Đức) là một trong những Lễ hội lớn nhất của Hà Nội, thu hút hàng vạn phật tử, du khách mỗi năm. Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương đã lên phương án chuẩn bị từ nhiều tháng nay với nhiều điểm mới. Ngoài chương trình lễ còn có phần hội là những hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách. Trên suối Yến, sẽ có một đội văn nghệ biểu diễn trên thuyền các tiết mục dân ca truyền thống từ ngày mùng 2 đến hết Lễ hội.

Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn) cũng là một trong những lễ hội truyền thống hấp dẫn nhiều du khách trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người Anh hùng Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc Ân dưới thời Hùng Vương dựng nước. Tại đền Thượng, hội được bắt đầu vào giờ đầu tiên của ngày mồng 6 với lễ khai quang và lễ tắm tượng do chủ tế và chức sắc thực hiện. Kế tiếp đó, hai lễ chính là rước dâng hoa tre và lễ chém tướng được tổ chức. Điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức cướp giò hoa tre. Sau phần lễ dâng hoa tre lên Thánh, quan tế hô lớn “lễ tất tranh lộc" thì tất cả hoa tre được vung ra để mọi người tranh cướp cầu may. Ngoài ra, rước voi của làng Dược Thượng cũng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội này. Năm nay, Lễ hội đền Sóc được thực hiện với nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế những rủi ro, và bạo lực có thể xảy ra trong lễ hội.

Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn)


Lễ hội Hai Bà Trưng (Mê Linh) là một trong những lễ hội truyền thống của nhân dân Hà Nội không thể không nhắc tới mỗi dịp đầu xuân năm mới. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã). Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên. Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 1977 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2017).

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) là một trong những lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng.


Cũng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) lại mang màu sắc riêng. Hội được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung. Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.

Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Sáng ngày mồng 6, làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ thì bắt đầu sửa lễ. Ngoài phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức cũng hấp dẫn nhiều du khách đến du xuân, trẩy hội.

* Sẵn sàng cho mùa lễ hội văn minh, an toàn

Với tinh thần thực hiện một mùa lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm, năm nay, BTC các lễ hội đã lên nhiều phương án và kế hoạch tổ chức từ sớm. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương 2017 cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội đã sẵn sàng. Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định, công tác chuẩn bị cho Lễ hội chùa Hương 2017 sẽ có nhiều điểm mới. Đầu tiên, BTC sẽ thực hiện triệt để việc di chuyển trên suối Yến của du khách bằng phương tiện đò. Chỉ những người làm nhiệm vụ có mặc trang phục làm công vụ thì mới được đi xuồng máy, còn lại dù là khách của BTC cũng sẽ đi đò cùng du khách. Ngoài ra, các đò và xuồng sẽ được trang bị đầy đủ áo phao cứu sinh và bắt buộc người ngồi trên đò phải mặc để đảm bảo an toàn khi đi trên sông nước.

Năm nay, BTC Lễ hội Chùa Hương tổ chức nhiều nét mới để hy vọng đảm bảo sự an toàn, trật tự, văn minh cho các phật tử và du khách trẩy hội.


Một điểm mới nữa là năm nay, các công trình vệ sinh công cộng cho du khách sẽ do nhà chùa, nhà đền quản lý và miễn phí hoàn toàn, dù không lấy phí nhưng các địa điểm nói trên phải đảm bảo vệ sinh, làm sạch thường xuyên. BTC Lễ hội cũng bố trí 4 điểm trông giữ xe có niêm yết giá. BTC cam kết, các công tác vệ sinh, an ninh trật tự được đảm bảo và có chỉ dẫn cụ thể cho người trẩy hội. Về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, sẽ có 13 tổ tuần tra, tiến hành các phương án phân luồng giao thông cả đường bộ và đường thủy. Để tránh ách tắc đò khi có quá nhiều du khách di chuyển trên suối Yến, BTC có hẳn một đội cảnh sát giao thông đường thủy để hướng dẫn các đội đò di chuyển đúng khoảng cách.

Đối với Lễ hội đền Sóc, để tránh tình trạng bạo lực lễ hội, gây nên những hình ảnh không đẹp trong một vài mùa tổ chức trước đây, năm nay, BTC quán triệt hoàn toàn việc các đội rước không mang gậy, tránh việc xô xát khi thực hiện nghi thức cướp giò hoa tre. BTC cũng bố trí người ở nhiều chốt, các điện thờ để hướng dẫn người dân tham gia lễ hội thực hiện đúng nghi thức, đảm bảo sự an toàn, văn minh lễ hội.

Ở lễ hội Gò Đống Đa, BTC Lễ hội cũng quyết tâm thực hiện những biện pháp đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh như triệt để dẹp nạn cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan, bán hàng rong... BTC cũng bố trí những điểm trông giữ xe miễn phí tại đường Đặng Tiến Đông, Trường Tiểu học Quang Trung…

Một mùa Lễ hội mới đã bắt đầu, hy vọng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương sẽ được thực hiện triệt để, chặt chẽ để mỗi lễ hội không chỉ trở thành một điểm đến của văn hóa, tín ngưỡng mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương mỗi dịp Tết đến xuân về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa lễ hội xuân Đinh Dậu đã sẵn sàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.