Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam: Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021

Tuệ Diễm| 24/11/2020 18:08

(HNMO) - Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam bị sụt giảm. Tuy nhiên, hoạt động này được dự báo có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021.

Toàn cảnh Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 - năm 2020.

Nhà đầu tư rụt rè với thương vụ M&A trong năm 2020

Ngày 24-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 12 - năm 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”. Diễn đàn thu hút 16 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế tham dự.

Theo dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam, năm nay, thị trường M&A nội địa chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019". 

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định, có 3 nhân tố tác động đến việc tạm ngưng thực hiện các thương vụ M&A đó là: Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đại dịch Covid-19 và cuối cùng là yếu tố nội địa. Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 sẽ là yếu tố thúc đẩy quay lại các thương vụ M&A. Tuy nhiên, trở ngại ngăn cản các nhà đầu tư chính là ở mức giá. Doanh nghiệp Việt Nam thường muốn giá rất cao, trong khi các nhà đầu tư luôn muốn phải thực tế theo giá thị trường. 

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương (+2%) trong các nước ASEAN-5. Những kết quả quan trọng này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là trong 10 tháng năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A được công bố, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Mặc dù sụt giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng chuyên gia nhận định là do nhà đầu tư đang chờ điều kiện chín muồi để thực hiện các thương vụ mua bán. 

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam cho biết: “Tại Thái Lan có khoảng 5.500 công ty Nhật Bản, nên các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng đã quá muộn để nhập cuộc thị trường này. Tại Myanmar, chỉ có khoảng 400 công ty Nhật Bản nhưng họ chưa xem đây là thời điểm thích hợp đầu tư vào xứ sở này. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư”. 

Kỳ vọng sẽ khởi sắc vào năm 2021

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2021. Dự đoán này dựa trên kết quả của hoạt động M&A mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, tạo tiền đề cho sự thuận lợi mời gọi đầu tư, thương mại quốc tế trong năm 2021. 

Dự báo thị trường M&A của Việt Nam trong năm 2021.

Ngoài ra, Việt Nam đang là nước hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, điển hình ngày 15-11-2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết. Hiệp định RCEP cùng với các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Hiệp định Thương mại tự do EVFTA đã thực thi sẽ gián tiếp thúc đẩy các giao dịch M&A. Nhờ đó, những dự án từ châu Âu đầu tư tại Việt Nam sẽ bùng nổ”. 

Ngoài yếu tố thuận lợi về hợp tác quốc tế, một số chính sách, pháp luật của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 sẽ tạo tiền đề để phát triển M&A. Đơn cử, từ ngày 1-1-2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ đồng loạt có hiệu lực.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, trong 10 năm tới, hoạt động M&A sẽ thuận lợi hơn. Sự thay đổi 3 luật quan trọng nêu trên sẽ tác động tích cực vào hoạt động M&A từ năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam: Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.