(HNM) - Một nguyên nhân dẫn đến kỷ cương phép nước không nghiêm, dân nhờn pháp luật là do người thay mặt Nhà nước qua loa cho xong chuyện, "đánh trống bỏ dùi" nếu không được đôn đốc. Dẫn chứng có rất nhiều, lời cảnh báo cũng đã lắm, nhưng như đã thành tật, việc sửa chữa tưởng dễ mà khó khăn. Lấy dẫn chứng như chuyện chiếc mũ bảo hiểm gần đây.
Mỗi nguồn một số liệu, có nguồn 20, có nguồn 30, có nguồn như đinh đóng cột 36 triệu chiếc khi thống kê về số xe gắn máy hiện có tại Việt Nam. Nhưng dù nguồn nào thì cũng giống nhau ở nhận định, nước ta thuộc loại có tỷ lệ xe máy/đầu người dân cao nhất thế giới. Chẳng cần mang tên mình hay không, người lái có đủ điều kiện không, tiêu chuẩn an toàn thế nào, xe đạt hay không đạt quy định vệ sinh môi trường, cứ nổ máy được là chạy. Một mặt nào đó, đây là dấu hiệu đời sống được nâng lên hơn trước. Nhưng xe máy cũng gây nhiều phiền phức. Ùn tắc, tai nạn, thiếu chỗ để, ô nhiễm môi trường... Một bệnh viện giữa trung tâm Thủ đô, riêng bệnh nhân do tai nạn giao thông, thường xuyên quá tải gấp đôi, gấp ba năng lực cứu chữa. Có ngày khoa cấp cứu phải đón nhận 200 bệnh nhân, trong đó 60% bệnh nhân là chấn thương sọ não, rất nhiều trong số này do không đội mũ bảo hiểm.
Trước tình hình đó, cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ quyết định người ngồi xe máy phải đội mũ bảo hiểm để hạn chế những chấn thương vùng đầu. Đây là một quyết định có vẻ cứng rắn nhưng đúng, trước hết vì quyền lợi của người dân và lập tức được hưởng ứng. Cả nước, ít nhất là ở thành phố và vùng đồng bằng, tỷ lệ những người thuộc diện phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đạt trên 80%, tỷ lệ chấn thương sọ não do được đội mũ bảo hiểm giảm rõ rệt. Có ngày, ở những bệnh viện trung tâm, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giảm còn 30% so với bình thường. Đi trên đường phố, người ta thấy khó chịu trước những người đi xe máy đèo ba, đèo bốn không đội mũ bảo hiểm. Dù còn chưa vững chắc, nhưng phần nào hình thành một ý thức xã hội, đã ngồi xe máy là phải có mũ bảo hiểm.
Nhưng rồi, do thói quen "đầu voi đuôi chuột" đã hình thành từ lâu trong quản lý xã hội, việc kiên quyết buộc phải đội mũ bảo hiểm dần dần bị lơ là, cho qua chuyện. Hàng nghìn cửa hàng bán "mũ bảo hiểm" không có giấy phép kinh doanh, không có hóa đơn xuất xứ, không có chứng chỉ chất lượng, thậm chí có cả tem chống giả… lặng lẽ mọc trên đường phố. Một thời gian dài, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả không có ai kiểm tra, kiểm soát, xử phạt, cấm buôn bán. Người ta tính rằng 70% mũ bảo hiểm hiện lưu hành là mũ bảo hiểm giả, không đúng chất lượng, thực tế có lẽ còn hơn thế. Nói rằng người dân vì không phân biệt được mũ giả, mũ thật nên cứ mua và cứ dùng là một cách nói. Thực chất, tình trạng mũ bảo hiểm giả tràn lan; tai nạn chấn thương sọ não gần như trở lại mức cách đây 5 năm là do người dân coi thường pháp luật bởi những người đại diện pháp luật không nghiêm.
Như vậy là phải làm lại gần như từ đầu, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ riêng chuyện tiêu hủy, cấm lưu hành 50 triệu chiếc mũ dởm đã tốn kém của xã hội rất lớn. Nhưng dù sao, vẫn hy vọng kinh nghiệm đau xót của việc "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột", thiếu trách nhiệm của lần chấn chỉnh mũ bảo hiểm này trở thành bài học chung cho nhiều chuyện khác, để từng bước thay đổi hẳn một thói xấu đã thành tật trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.