(HNM) - Phát triển năng lượng hạt nhân tiếp tục là trọng tâm ưu tiên trong chính sách năng lượng mới của đất nước Mặt trời mọc khi Quốc hội Nhật Bản cuối tuần qua thông qua hiệp định hạt nhân dân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Theo hiệp định vừa được thông qua, Nhật Bản sẽ xuất khẩu các lò phản ứng điện nguyên tử sang hai nước nói trên, cho dù đã xuất hiện mối quan ngại trong dư luận xứ Phù tang về độ an toàn của điện hạt nhân sau sự cố tại Nhà máy Điện Fukushima số 1 hồi năm 2011 do thảm họa kép động đất và sóng thần.
Nhật Bản tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. |
Quyết định của Quốc hội Nhật Bản được đưa ra chưa đầy chục ngày sau khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua chính sách năng lượng mới. Trong đó, năng lượng hạt nhân được coi là nguồn điện năng quan trọng; đồng thời rút lại mục tiêu từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân do chính quyền tiền nhiệm đề ra sau sự cố tại tổ hợp hạt nhân Fukushima số 1. Điểm mấu chốt trong chính sách mới mang tên "Kế hoạch năng lượng cơ bản" là tạo điều kiện cho chính phủ đẩy mạnh tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân hiện đang ngừng hoạt động do vấn đề an toàn. Động thái này đã được kỳ vọng kể từ khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12-2012. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản phải mất thêm nhiều tháng so với kế hoạch ban đầu để đi tới quyết định trên, do các dự thảo của kế hoạch vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong giới lập pháp.
Trong bối cảnh đó, hiệp định hạt nhân dân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua là thắng lợi bước đầu trong chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là bước đi tiếp theo sau khi Nhật Bản đã ký các hiệp định trên với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE năm 2013, trong đó quy định các nhiên liệu và thiết bị hạt nhân do Nhật Bản cung cấp được sử dụng vào mục đích hòa bình. Thượng viện Nhật Bản cũng đã thông qua các hiệp định này tại phiên họp toàn thể sau khi Hạ viện thông qua hồi đầu tháng 4 vừa qua. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản đã giành được gói thầu xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ở khu vực ven Biển Đen, trị giá 2.200 tỷ yen (khoảng 21,56 tỷ USD). Theo hiệp định hợp tác Nhật Bản - Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên có thể tiến hành các hoạt động làm giàu, tái xử lý chất thải hạt nhân theo thỏa thuận giữa hai chính phủ. Trong khi đó, UAE đang tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân được tiến hành từ năm 2012 và dự kiến sẽ mở rộng hơn.
Với chính sách mới mang tên "Kế hoạch năng lượng cơ bản", Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng, nó sẽ hỗ trợ cải thiện đời sống nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế của nước này. Không chỉ coi năng lượng hạt nhân là "nguồn điện năng cơ bản và quan trọng" nhờ chi phí vận hành thấp và khả năng sản xuất liên tục trong ngày, bản chính sách mới này tạo điều kiện cho Chính phủ Nhật Bản tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân sau khi chúng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt; đồng thời cam kết sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc hạt nhân. Tokyo cũng để ngỏ khả năng cho phép xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho cả nước. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cam kết sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu đưa loại năng lượng này chiếm 20% tổng nhu cầu điện vào năm 2030, theo như trong kế hoạch năng lượng cơ bản năm 2010.
Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE là kết quả hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực hạt nhân được Quốc hội Nhật Bản thông qua kể từ sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Quốc hội Nhật Bản đã từng thông qua các đề án hợp tác điện hạt nhân với Việt Nam, Jordan, Nga và Hàn Quốc vào cuối năm 2011. Thế nhưng, tất cả các đề án hợp tác này thực chất đều được thảo luận và thông qua trước thời điểm xảy ra động đất gây sóng thần tháng 3-2011. Đến nay, Nhật Bản đã hoàn tất các hiệp định tương tự với 12 nước và đang trên đường đàm phán với một số nước trong đó có Ấn Độ. Với thỏa thuận mới vừa đạt được, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sau thời gian dài "ngủ đông".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.