(HNM) - Nhà hát Kịch Hà Nội khá bình thản trong cơn xốn xang làm mới mình của sân khấu đất Bắc, không vội vàng nhưng một khi đã cho sản phẩm mới ra lò thì phải nói
Tác phẩm được dựng từ kịch bản được "đặt hàng" - "Người Hà Nội", do tác giả Phạm Văn Quý viết. Để có kịch bản ưng ý, từ hơn một năm trước, lần lượt các lãnh đạo của Nhà hát là NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Minh Hòa đã phải "mòn lối" đến nhà tác giả để trao đổi, bàn bạc. Đó phải là một tác phẩm có tầm vóc, mang đặc trưng của đất và người Hà Nội. Song vấn đề mang tính quyết định có lẽ là việc mời được đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang dựng "Những người con Hà Nội". Vị đạo diễn ngấp nghé tuổi 80 vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho những vở diễn lớn của sân khấu miền Bắc. Nhất là vở diễn về Hà Nội, nơi Doãn Hoàng Giang gắn bó từ thuở thiếu thời, muốn ra "chất", muốn xứng tầm thì phải được đặt vào tay ông.
"Những người con Hà Nội" nói về tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của người Hà Nội trong 60 ngày đêm mùa đông năm 1946. Đề tài không mới, đó là một thách thức thật sự, nhưng NSND Doãn Hoàng Giang tự tin: "Cái chính là sự khác biệt khi dàn dựng. Chi tiết lịch sử, con người đại diện có thể giống nhau nhưng tài năng đạo diễn là khác nhau!". Cái khác ấy chính là cách Doãn Hoàng Giang đưa cách dàn dựng đặc trưng của điện ảnh vào sân khấu. Các sự kiện được dựng nối tiếp nhau, dồn dập, liên tục, không chuyển cảnh như thường thấy trong các vở kịch. Đó là tư duy dựng vở về đề tài chiến tranh nhưng vẫn lột tả đến tận cùng nét hào hoa của người Hà Nội. Theo đạo diễn Doãn Hoàng Giang, ông đã trau chuốt từng câu thoại, từng cử chỉ, dáng đi của nhân vật cho đến trang phục, cách bài trí sân khấu, tiếng động… Bởi không kỹ lưỡng thì làm sao ra "chất" Hà Nội - nơi mà bất cứ ai đến đây cũng sẽ được "thuần hóa", trở thành người Hà Nội hào hoa, phong nhã.
Vở kịch này còn có nét đặc biệt khác, ở chỗ không có nhân vật nào là chính, có chăng chỉ là sự nhấn nhá ở một vài vai diễn. NSND Doãn Hoàng Giang cho rằng: Thời đó, các tầng lớp người Hà Nội đều xả thân, quyết tử cho Tổ quốc, từ những trí thức, bác sĩ, sinh viên, cô gái bán hoa đến cậu nhỏ bán vé số… Khi Tổ quốc lâm nguy, người ta quên hết mọi chuyện, chỉ biết mình là người Hà Nội, phải đồng lòng bảo vệ Hà Nội. Bởi thế, tôi không khắc họa chân dung cá nhân mà chú ý đến khối.
Sự "tham lam" ấy dễ khiến vở bị loãng, không tập trung nhưng với đạo diễn được mệnh danh là ông "vua" của các đại cảnh thì khán giả có thể tin tưởng. "Những người con Hà Nội" sẽ gồm nhiều đại cảnh - điều ít khi gặp ở sân khấu Việt Nam. Đó chắc chắn là thách thức đối với nghệ sĩ, dù tất cả đều tỏ rõ sự hào hứng. NSƯT Minh Hòa nói: "Vở được dựng đúng vào thời điểm mà đất nước đang phải đối diện với thử thách lớn lao, khi biển trời Tổ quốc đang bị xâm phạm, lòng người sục sôi. Người nghệ sĩ chúng tôi cũng sẽ vào vai với tinh thần ấy".
Vở kịch đang trong thời kỳ "vỡ hoang". Các diễn viên "gạo cội" đều góp mặt, như Trung Hiếu, Thu Hà, Minh Hòa, Công Lý, Tiến Đạt, Hồng Đăng, Thanh Hương, Tiến Lộc… Gần 100 nghệ sĩ của Nhà hát "ăn ngủ" với vai diễn, gắng gỏi cho ngày ra mắt vở vào cuối tháng 7 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.