(HNMCT) - Nguyễn Bình Nguyên, một học sinh lớp 9 tại Hà Nội vừa xuất sắc giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 tại Việt Nam nhờ lựa chọn ý tưởng hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.
Với chủ đề đậm tính xã hội: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”, nhưng cách viết của Nguyễn Bình Nguyên và cách trả lời của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn đã tạo ra một cuộc đối thoại văn hóa hết sức thú vị.
Bức thư của Nguyễn Bình Nguyên được chia sẻ khá nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Bức thư được nhiều bạn đọc đánh giá là một áng văn đẹp, thể hiện cách tư duy liên tưởng vừa tinh tế, bay bổng, vừa đau đáu, đầy trách nhiệm của một cậu bé trước vấn đề nóng bỏng mà nhân loại đang phải đối mặt. Qua quan sát, Bình Nguyên nhận thấy con người luôn tạo ra một ranh giới để thỏa mãn cho riêng mình: Sự sạch sẽ cho riêng mình, sự tiện nghi cho riêng mình, lợi ích cho riêng mình, nhưng cái giá phải trả là hậu quả từ thiên tai, môi trường ô nhiễm thì lại chẳng có một ranh giới nào cả giữa người giàu và người nghèo, quốc gia này hay quốc gia khác. Chọn viết thư cho danh cầm Đặng Thái Sơn, cậu bé trong vai cơn gió muốn thỉnh cầu người nhạc sĩ tài năng sử dụng âm nhạc như một thứ vũ khí có sức mạnh không biên giới, giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường.
Bức thư hay, nhưng thú vị hơn nữa là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã quay một clip để trả lời Nguyễn Bình Nguyên. Bằng cách trò chuyện thân mật, ông chúc mừng, động viên cậu bé: “Bác chân thành chúc mừng cháu có một bài viết thật là đẹp và truyền cảm. Mỗi chúng ta đều cần có một ngôn ngữ để giao tiếp với bên ngoài để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc. Cháu đã tìm ra nó cho bản thân. Như bác, đó là đồ rê mi pha son”. Với thông điệp mà bức thư đề cập, ông cho biết: “Thay vì bằng những lời hô hào, bác sẽ đàn vài nốt nhạc của Mozart. Bác chọn nhạc Mozart vì nó thật mộc mạc, trong sáng mà lại đầy ý nghĩa như là trái đất này. Chúng ta hãy gìn giữ để nó xanh tươi mãi mãi...”.
Thông điệp bảo vệ môi trường một lần nữa được lan tỏa bằng một cuộc trò chuyện đầy tính văn hóa, hết sức thú vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.