(HNMCT) - Ngày 25-7, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) khai mạc triển lãm Ký ức về liệt sĩ làng Lai. Đó là một đợt trưng bày dài, tới tháng 10 mới kết thúc mà ở đó, người xem không chỉ tiếp cận câu chuyện cảm động về các liệt sĩ “làng Lai” và thân nhân của họ, mà còn có thể tự giải đáp phần nào câu hỏi: Vì sao mà một bảo tàng thôn nằm cách trung tâm Hà Nội vài chục cây số lại có thể thu hút sự quan tâm của nhiều người?
Có nhiều điều ở bảo tàng này gợi cảm giác khác lạ. Nói riêng Ký ức về liệt sĩ làng Lai, có mặt ở đó trong ngày khai mạc mới thấy phần trưng bày không phải là yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất. Dù các bên liên quan đã bỏ công sưu tầm, lên thiết kế trưng bày với sự tư vấn của chuyên gia văn hóa, chuyên gia bảo tàng… thì khối hiện vật, tư liệu đó vẫn chỉ ở mức khiêm tốn so với câu chuyện muốn kể.
Điều quan trọng, cũng là yếu tố giúp cho Ký ức về liệt sĩ làng Lai có lẽ nằm ở chỗ những người tổ chức đã tập trung mọi nguồn lực để kể một cách sinh động “câu chuyện của mình” và truyền thông điệp về trách nhiệm lưu giữ ký ức đáng tự hào về mảnh đất quê hương vốn đang phai mờ theo thời gian.
Đó không chỉ là câu chuyện về người đã khuất, mà còn là ký ức của người già, là cảm xúc của thân nhân liệt sĩ, là thái độ trân trọng của thế hệ trẻ trước những đóng góp lớn lao của lớp người đi trước. Ký ức về liệt sĩ làng Lai đọng lại trong khách tham quan nhờ những câu chuyện đó.
Có lẽ những người điều hành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã nắm vững bài học thành công của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - hai trong số không quá nhiều bảo tàng luôn dành sự ưu tiên cho câu chuyện phía sau hiện vật.
Ở Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, lịch sử nghề ảnh “độc nhất vô nhị” ở đất này, ký ức về những liệt sĩ “làng Lai”… đã được xây dựng theo cách đó, luôn hướng đến mục tiêu kể trọn vẹn câu chuyện mà khách tham quan muốn được nghe thay vì gom góp hiện vật trưng bày rồi để mặc du khách tự xoay xở.
Mặt khác, những gì diễn ra cho thấy với một bảo tàng dù là quy mô nhỏ hay thuộc số thiết chế văn hóa tầm quốc gia, công tác truyền thông là vô cùng quan trọng. Với Ký ức về liệt sĩ làng Lai, chỉ trong vòng 4 ngày kể từ 24-7, nhóm thực hiện trưng bày chuyên đề đã đưa lên mạng Facebook gần ba mươi “tút” kèm hình ảnh.
Bằng cách đó, người Lai Xá không chỉ “nuôi sống” địa chỉ trên mạng xã hội mà còn làm lan tỏa thông tin tới cộng đồng. Liệu trang thông tin điện tử của những bảo tàng quy mô lớn, được đầu tư bài bản, có được “nuôi tử tế” đến vậy?
Bảo tàng là dành cho khách tham quan. Khối tư liệu, hiện vật vô tri vô giác chỉ trở nên sống động, có ích khi câu chuyện và thông điệp từ đó đến được với người xem. Một số bảo tàng thu được thành công nhờ luôn trở đi trở lại với suy nghĩ làm thế nào để khách tham quan hài lòng.
Thời gian qua đi, trong sổ tay của những người từng tham dự hội thảo khoa học “Phương pháp trưng bày và giới thiệu hiện vật bảo tàng”, được tổ chức vào năm 2005, tại Hà Nội, hẳn còn dòng ghi chép về ý kiến của các chuyên gia bảo tàng dự hội thảo đó.
Không “báo cáo thành tích”, kể lại những gì đã làm hay sa đà vào yếu tố kỹ thuật như nhiều đại biểu khác, ý kiến của các chuyên gia Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về ba đề tài khác nhau nhưng luôn xoay quanh loạt câu hỏi: Ai sẽ xem phần trưng bày này? Đặc điểm đối tượng chính là gì? Chủ đề cần có hiện vật gì, sắp xếp ra sao? Mỗi ca tham quan nên giới hạn số lượng người là bao nhiêu để tăng hiệu quả trải nghiệm?...
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thu được nhiều thành công, có lẽ một phần lớn là nhờ thiết chế này luôn hướng tới khách tham quan, và làm mọi điều có thể vì họ.
Và, bây giờ, tại Lai Xá, có lẽ chúng ta có quyền hy vọng về một mô hình khác, quy mô nhỏ nhưng biết cách kể chuyện và luôn tìm cách hướng tới khách tham quan. Chặng đường vươn tới mục tiêu trở thành điểm đến quan trọng của du khách còn nhiều khó khăn, nhưng ít nhất thì người Lai Xá đã thể hiện rằng họ dám làm, dám chuyển đổi thay vì dừng lại khi nghề ảnh truyền thống đã mai một.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.