(HNM) - Trong những ngày qua, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chào đón năm mới với niềm vui trọn vẹn trong tiết xuân ấm áp.
Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019 - Một điểm nhấn văn hóa đặc sắc của Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Phạm Thanh Dũng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm):
Phấn khởi khi các tiện ích đô thị ngày càng đầy đủ
Người dân Thủ đô chúng tôi rất phấn khởi vì được chứng kiến, sử dụng các dịch vụ công cộng ngày càng nhiều tiện ích, đặc biệt là dịp Xuân Kỷ Hợi này. Dù là ngày nghỉ Tết, nhưng các đơn vị vận tải hành khách công cộng vẫn hoạt động bình thường. Thái độ của lái xe, phụ xe niềm nở, làm vui lòng hành khách. Tết năm nay, thay vì phải nhờ con cháu đưa đi chúc Tết, du xuân, tôi đã chủ động đi bằng phương tiện công cộng - xe bus, vừa văn minh, sạch sẽ lại an toàn.
Điểm khác biệt của Tết Kỷ Hợi năm nay là phong trào tặng lì xì bằng sách đã lan tỏa. Ngày mùng 3 Tết, Phố sách Xuân Kỷ Hợi đã khai mạc tại phố 19 tháng 12 (quận Hoàn Kiếm) nhằm tiếp tục duy trì nét đẹp văn hóa đọc của nhân dân Thủ đô và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Phố sách đã thu hút đông đảo người dân tham dự, chọn mua sách để mừng tuổi cho con cháu, người thân và bạn bè.
Bà Bùi Thị Hòa, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai):
Niềm vui của người dân ngoại thành như được nhân lên
Niềm vui của người dân ngoại thành chúng tôi như được nhân lên khi Hà Nội gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn xuống cấp nay đã được bê tông hóa phẳng phiu. Công tác vệ sinh môi trường dịp trước, trong và sau Tết được các địa phương đặc biệt quan tâm nên hầu hết tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn được tổng vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, nhiều địa phương đã xã hội hóa việc trồng hoa, cây cảnh dọc các tuyến đường làng, tạo nên cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Qua theo dõi, tôi được biết thêm, niềm vui đón Tết của người dân Thủ đô trọn vẹn hơn khi hiện tượng đua xe trái phép không xuất hiện trên đường phố; nạn cờ bạc đầu xuân đã cơ bản được dẹp bỏ... Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết.
Chị Nguyễn Thanh Hường, phường Quảng An, (quận Tây Hồ):
Cùng giữ gìn môi trường sạch đẹp, gọn gàng
Xuất phát từ nhu cầu người dân thích ăn bún, phở, đồ ăn nhanh trong những ngày đầu xuân, một số cửa hàng đã nâng giá, song chất lượng không bảo đảm. Nhiều quán phở nâng giá từ 40.000 đồng/bát lên 60.000 đồng/bát. Khách đông, thực phẩm không đủ, chủ quán sử dụng cả thực phẩm đông lạnh hay thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn để bán. Cũng do ý thức của một số người dân còn hạn chế nên tại không ít quán ăn, điểm vui chơi công cộng vẫn có tình trạng rác thải vứt bừa bãi, rất mất vệ sinh môi trường. Đáng nói, từ chiều mùng 1 đến hết mùng 6 Tết, tại nhiều đường phố, ngõ nhỏ không khó để bắt gặp hình ảnh những cành đào, cây quất, hoa héo bị vứt chỏng chơ, nhìn rất mất mỹ quan. Để khắc phục tình trạng này, mỗi người dân cần có ý thức hơn để giữ gìn môi trường nơi mình sinh sống luôn được sạch đẹp, gọn gàng.
Anh Ngô Thanh Tùng, phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm):
Vẫn còn chuyện buồn ngày xuân
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân Thủ đô đều thành tâm kính lễ, đến các đền, chùa để cầu sự bình an, may mắn. Tại các cổng chùa, đền đều có người bán những con vật để phóng sinh như rùa, ốc, cá, chim... Lợi dụng tâm lý này, nhiều người bán hàng đã bán giá cao, thậm chí có tình trạng "tái sử dụng" vật phóng sinh. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân đến mua rùa nhỏ (giá trung bình từ 20.000 đến 40.000 đồng/ con), cá vàng (trung bình 20.000 đồng/con) và thả xuống hồ ở chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 phút, số rùa, cá vàng vừa phóng sinh đã bị vớt lên và ngay lập tức được bán lại cho người khác. Tôi thấy thật đáng buồn vì người bán đã lợi dụng lòng tin, tín ngưỡng để kinh doanh, bất chấp thủ đoạn.
Chị Phạm Bích Thủy, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng):
Cần khắc phục những "nốt trầm"...
Từ sáng sớm mùng 1 Tết, người dân Hà Nội đã nô nức du xuân. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Ngay trong chiều mùng 1 Tết đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên một số tuyến đường nội đô như Thanh Niên, Tôn Đức Thắng, Phan Đình Phùng… Các tuyến đường hướng về Văn Miếu, hồ Hoàn Kiếm, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ... còn rất nhiều xe máy chở 3, chở 4 người, không đội mũ bảo hiểm, trong đó không ít trường hợp đã uống rượu, bia. Bên cạnh đó, phải kể đến tình trạng đốt pháo nổ có chiều hướng gia tăng trong đêm Giao thừa ở một số địa phương trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng nhiều điểm trông giữ xe khu vực vỉa hè Vườn hoa Lý Thái Tổ, các phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng... thu phí cao hơn quy định. Đây là những "nốt trầm" cần được khắc phục để người dân có những ngày lễ, Tết thật sự trọn vẹn, vui tươi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.