Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách nuôi dưỡng lòng yêu nước

Hà Dương| 24/06/2014 06:46

(HNM) - Nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Tín và NXB Kim Đồng vừa giới thiệu với bạn đọc hai tập mới nhất (3 và 4) cũng là hai tập cuối của bộ sách


Trong đó, tập 3 có riêng một chuyện kể về "Các chúa Nguyễn thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa". Nhìn lại 4 tập sách, nhất là trong bối cảnh lãnh thổ, lãnh hải của đất nước bị đe dọa, càng thấy ý nghĩa to lớn của việc lòng yêu nước phải được gieo mầm từ sự hiểu biết về lịch sử ngay trong mỗi thiếu nhi.


Ngay từ khi 2 tập đầu ra đời, nhóm tác giả đã có lời với bạn đọc rằng: "Sử ta". Đó là cách nói của Bác Hồ trong câu thơ nổi tiếng: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". "Sử ta", đó là chữ dùng của học giả Nguyễn Văn Tố, nhà sử học đồng thời là nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ XX, tác giả của công trình sử học đầy tự hào: Sử ta so với sử tàu. "Sử ta", đó cũng là điều mà nhóm tác giả muốn kể với các bạn, theo một cách riêng".

Cách riêng ấy là cách nào? Đó là sử được tái hiện thông qua "chuyện kể". Chuyện thì bao giờ cũng có những tình tiết gần gũi với đời thường, dù nhân vật là vua, quan, danh sĩ hay các bậc văn nhân. Chuyện thì cũng thường có nút thắt, nút mở nên thu hút, hấp dẫn người đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi.

Đáng mừng là hai tập sách mới của bộ sách vẫn tiếp nối được giọng kể ấy. Trong đó tập 3 bao quát từ những "chuyện ông Trạng, ông Nghè thời Mạc" đến "sự suy tàn của triều đại Tây Sơn". Tập 4 thì gói từ chuyện "Gia Long thống nhất sơn hà" đến "trên quảng trường Ba Đình, ngày ấy". Bên cạnh chuyện về các nhân vật, chuyện về các sự kiện mang tính chất dấu mốc, quan trọng cũng được "kể" với ngôn ngữ gần gũi, gợi mở. Ví như "Lê Thần Tông - ông vua của những số nhiều", "Gần vua như chơi với hổ" (nói về vua Gia Long), hay "đám tang Phan Chu Trinh - một big bang của tinh thần yêu nước", "truyền bá quốc ngữ - bắt đầu từ hai chữ I Tờ".

Mặc dù nhóm tác giả không phải là những nhà chuyên về sử học, song với tinh thần tiếp cận của sử học hiện đại là nhìn lịch sử thông qua những số phận, con người cụ thể, nên bộ truyện khai thác được nhiều chi tiết rất đời về các nhân vật nổi tiếng mà sách giáo khoa và cách thức dạy học ở các cấp học của ta chưa làm được. Những chi tiết này không làm giảm đi thông điệp chính của truyện, mà ngược lại còn khắc sâu hơn hình ảnh nhân vật trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, kể chuyện sử cho thiếu nhi nên hình như nhóm tác giả luôn chọn cách tiếp cận từ những góc nhìn tích cực nhất của nhân vật, để rồi sau đó mới đưa ra những hạn chế, ngầm làm sự so sánh và chuyển tải bài học về mọi lẽ ở đời.

Chúng ta sẽ không bao giờ yêu được sử nước nhà khi không nhìn những nhân vật, sự kiện trong một tổng thể của cái hay, cái dở, của những cao cả xen lẫn cái đời thường, của khát vọng và bi kịch số phận con người. Trẻ con cũng vậy, chúng sẽ không nhớ được một Cao Bá Quát tài năng và chí khí khi không biết được bi kịch khủng khiếp cuối đời ông, cũng như tấm lòng các sĩ phu và nhân dân mạo hiểm kháng lệnh triều đình, tìm cách cất giấu các trước tác của ông…

Là một cuốn sách "kể" về lịch sử, bộ sách này cũng cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo để phụ huynh có thể tin tưởng vào những "chuyện sử" mà con em mình sẽ đọc. Đặc biệt, bảng chỉ mục là một nét đáng chú ý của bộ sách, phù hợp với thông lệ của xuất bản thế giới, cho phép trẻ tìm kiếm thông tin về các nhân vật, sự kiện trong sách. Ví như "Đội Cấn" có ở các trang 220, 222, 233; hay "Lịch triều hiến chương loại chí" có ở trang 59. Phương thức này cũng giúp trẻ hình thành tinh thần tự nghiên cứu và thói quen tự học, tự tìm hiểu.

Hy vọng cách kể, cách làm sách sử như bộ sách trên sẽ tiếp tục được phát huy, bổ sung để "Sử ta" được viết tiếp một cách gần gũi và thuyết phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cách nuôi dưỡng lòng yêu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.