Ngày 12-10, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc thông báo sẽ phát hành lượng lớn trái phiếu chính phủ nhằm tạo nguồn tài chính trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, hỗ trợ thị trường bất động sản và tăng cường vốn cho các ngân hàng nhà nước.
Theo các nguồn tin của Reuters, Bắc Kinh có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 284,43 tỷ USD) trong năm nay như một phần của gói kích thích tài chính mới.
Cùng ngày, hãng tin Reuters cũng cho biết, 4 ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, cũng công bố việc cắt giảm lãi suất vay thế chấp hiện tại, bắt đầu từ ngày 25-10.
Theo các thông báo từ các ngân hàng này, lãi suất sẽ được cắt giảm xuống thấp nhất là 30 điểm cơ bản so với mức lãi suất cơ bản chuẩn (LPR).
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An khẳng định: "Trung Quốc vẫn còn dư địa khá lớn để phát hành nợ và tăng thâm hụt tài chính".
Trên cơ sở đó, quan chức này nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm nhiều "biện pháp đối phó chu kỳ", nhưng không tiết lộ quy mô cụ thể của gói kích thích tài chính, dù đây là điều mà các nhà đầu tư toàn cầu đang mong đợi để đánh giá tính bền vững của đợt tăng gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nợ, và các địa phương vẫn còn tổng cộng 2.300 tỷ nhân dân tệ để chi trong 3 tháng cuối năm 2024, bao gồm cả hạn ngạch nợ và các quỹ chưa được sử dụng. Chính quyền địa phương cũng sẽ được phép mua lại đất chưa sử dụng từ các nhà phát triển bất động sản.
Bên cạnh đó, một phần nguồn tài chính cũng sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua các thiết bị gia dụng và các hàng hóa khác, cũng như tài trợ hằng tháng khoảng 800 nhân dân tệ (tương đương 114 USD) cho mỗi trẻ em đối với tất cả hộ gia đình có hai con trở lên.
Cũng theo Bloomberg, Trung Quốc còn đang cân nhắc việc bơm thêm tới 1.000 tỷ nhân dân tệ vào các ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước.
Đây là những động thái tiếp theo trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh đang phải đối mặt với áp lực giảm phát nặng nề do sự suy thoái của thị trường bất động sản, và phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.