(HNMCT) - Đầu xuân Canh Tý, trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân, chợt nghĩ về những vị khách quốc tế “xông đất” dịp năm mới. Họ, những người từ xa tới cảm nhận ra sao về Việt Nam, sẽ mang câu chuyện tốt lành từ đất Việt trở lại quê hương và lan tỏa cảm xúc tới những người khác như thế nào? Rồi suy nghĩ dẫn lối sang chiều ngược lại, tới những người Việt ra nước ngoài vì việc chung và việc riêng hay những người đang sống, lao động, học tập ở trong nước, họ có thể làm gì để lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam ra thế giới?
Cũng bởi vậy mà dù có biết bao sự kiện dồn dập trong những ngày qua, vẫn muốn dừng lại ở câu chuyện liên quan tới tuyển thủ trẻ Đoàn Văn Hậu đang chơi cho câu lạc bộ bóng đá Heerenveen (Hà Lan). Đó không chỉ là sự kiện thể thao, mà còn là câu chuyện về quảng bá thương hiệu Việt, rộng ra là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Dòng tin tức không quá ồn ào cho thấy vào đầu năm nay, một doanh nghiệp Việt tài trợ loại xe đạp mới với vật liệu chính là tre cho câu lạc bộ Heerenveen, qua đó các cầu thủ của đội bóng này có thể sử dụng để đi từ nhà tới sân tập hoặc trong sinh hoạt thường ngày. Mẫu xe rất đẹp, khỏe khoắn, hiện đại, “thuần Việt” bởi vật liệu tre là thứ gắn liền với lịch sử nước Việt. Chúng ta hãy tưởng tượng những cầu thủ - thần tượng của bao người ra đường trên chiếc xe đạp độc đáo của Việt Nam, đạp xe trên đường phố của một quốc gia được ví là “vương quốc của xe đạp”, thì sức hút Việt Nam là như thế nào? Nếu không tưởng tượng, hãy xem những điều được viết trên fanpage của câu lạc bộ sau khi thông tin về hợp đồng tài trợ được chính thức thông báo: “... Xe đạp tre được sản xuất tại Việt Nam, với tầm nhìn hướng về lối sống xanh, chú trọng đến sinh thái và hy vọng góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới... Tre là một trong những biểu tượng của người dân Việt Nam, với yếu tố tinh thần và lịch sử gắn liền với sự phát triển của dân tộc”.
Người Việt đã làm nhiều việc, cả trong khuôn khổ chiến lược quảng bá du lịch và văn hóa, chiến lược ngoại giao văn hóa... cũng như tự nguyện thực hiện theo tinh thần xã hội hóa nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước, vun đắp và định vị giá trị, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đôi khi, đó là những việc ít được biết đến, hòa trong đời sống thường nhật, không lễ vinh danh. Nguyễn Lan Vy, một phụ nữ gốc Huế miệt mài theo đuổi ước muốn quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới qua tà áo dài truyền thống. Lê Thái Dương, người Bạc Liêu, “săn” ảnh rồi gửi dự thi quốc tế, ý nghĩ trong đầu là giới thiệu vẻ đẹp người phụ nữ miền Tây Nam Bộ với chiếc nón lá. 10 năm trước, các nghệ sĩ Việt mang vở xiếc Làng tôi chu du thế giới suốt 3 năm, chinh phục khán giả nước ngoài bằng màn diễn với đạo cụ chính là tre, giới thiệu hình ảnh cuộc sống nông thôn Việt Nam yên bình, lý thú. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa từ lâu đã cho thế giới thấy được tầm nhìn kiến trúc Việt Nam trong việc đón đầu xu thế kiến trúc thân thiện với môi trường và vật liệu truyền thống...
Chiếc xe đạp tre theo chân Đoàn Văn Hậu sang châu Âu; Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Lan Vy hay nhóm nghệ sĩ Làng tôi..., tất cả không hẹn mà gặp nhau ở điểm chung là yếu tố truyền thống - điểm tựa dẫn tới thành công. Những ví dụ nói trên như một hạt cát trên sa mạc mênh mông, không đủ nói hết việc tốt của biết bao người đang cống hiến, tùy theo sức của mình, vì Tổ quốc, vì hình ảnh đất nước Việt Nam. Nhưng đó còn như một gợi ý rằng đường lối, chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam dựa trên nền tảng giá trị, bản sắc văn hóa Việt là đúng đắn, cần được tiếp tục thực hiện ở cấp độ cao hơn, nhất quán hơn, rõ tính chiến lược hơn để tận dụng nguồn lực vốn dĩ dồi dào.
Đầu năm mới Canh Tý 2020, câu chuyện chiếc xe đạp tre được dẫn còn với ngụ ý rằng, mỗi người trong chúng ta tùy theo sức của mình, hãy cùng làm tốt việc của mình để khẳng định và góp phần lan tỏa nét đẹp Việt Nam ra thế giới, qua đó làm tăng thêm sức mạnh Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.