(HNMO) - Sau 3 năm phải tạm dừng tổ chức vì đại dịch Covid-19, mùa lễ hội 2023 đã khởi động trở lại trong không khí sôi nổi, háo hức của cộng đồng. Lễ hội xuân trên cả nước đang diễn ra với những tín hiệu tích cực từ công tác tổ chức, quản lý đến ý thức, trách nhiệm người tham dự, qua đó góp phần duy trì, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chu đáo, bài bản, trách nhiệm cao
Sau tiếng trống khai hội Gò Đống Đa mùng 5 Tết Quý Mão, một loạt lễ hội truyền thống trên đất Thăng Long - Hà Nội cũng bắt đầu mở ra trong các ngày tiếp theo, mang đến không khí du xuân, trẩy hội đầy náo nức, sau một thời gian dài chịu cách ly và hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Từ trước đó, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận “làn sóng” du xuân đông đảo của cộng đồng. Tiêu biểu như, Khu di tích và danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương - Mỹ Đức) đã đón hơn 4 vạn lượt khách trong 3 ngày đầu năm mới; Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Hội chữ Xuân truyền thống thu hút 25 vạn lượt người từ mùng 1 đến mùng 5 Tết…, cho thấy sự hồ hởi của người dân khi nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng khá cao.
Trên thực tế, việc tăng đột biến lượng du khách tại các điểm đến di sản, đặc biệt những nơi có lễ hội lớn, lễ hội nổi tiếng, lễ hội tập trung đông người… đã được ngành quản lý và chính quyền cơ sở dự báo từ trong năm, nhằm chủ động kế hoạch trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; phương án ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, phòng chống dịch bệnh - cháy nổ… hay quá tải trong không gian thờ tự.
Theo ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc, sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hội Gióng ở đền Sóc đã được mở trở lại với quy mô và nghi thức truyền thống vốn có. Để tránh việc tranh cướp phản cảm như những năm trước, sau nghi thức tế lễ, lộc hoa tre được đưa về đền Hạ và đền Mẫu để phát lộc thay cho hình thức cướp lộc.
“Tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, hạn chế việc tập trung đông người tại các không gian thờ tự, địa phương tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian: Đi cà kheo, cầu thăng bằng, bịt mắt đập niêu, thi nấu cơm, trình diễn kéo mỏ và thi cầu húc, trải nghiệm têm trầu cánh phượng, làm giò hoa tre… Đặc biệt, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự lễ hội được tăng cường, “phủ sóng” khắp không gian di tích, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hiện tượng phản văn hóa trong lễ hội”, ông Nguyễn Nam Nho nói.
Tại Chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2023 cho biết: “Lễ hội năm nay có rất nhiều điểm mới, từ thay đổi hình thức bán vé, mở rộng lối vào lễ hội… đến tăng cường thuyền đò, bố trí xe điện, tổ chức điểm trông giữ xe chuyên nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân về trẩy hội. Giá vé và phí các dịch vụ được niêm yết công khai, số điện thoại đường dây nóng cùng với hệ thống QR-code được bố trí tại nhiều điểm dễ thấy, lực lượng hỗ trợ túc trực 24/24 giờ… là những nỗ lực của địa phương trong việc bảo đảm nhu cầu hành hương, thực hành tín ngưỡng của khách thập phương”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều lễ hội thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được triển khai khá bài bản, chu đáo và trách nhiệm cao. Các lễ hội cơ bản diễn ra trang nghiêm, bảo đảm các nghi thức truyền thống, hướng tới giá trị gắn kết cộng đồng và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, các địa phương, trực tiếp là ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội đã có những đầu tư về hạ tầng, tăng cường lực lượng phục vụ, làm tốt việc thu gom đồ lễ, nhắc nhở người dân không cài rải tiền lẻ bừa bãi, lạm dụng đốt hương và dâng cúng đồ mã lớn..., như: Chùa Vạn Niên, Đền Quán Thánh, Chùa Hà, Tổ đình Phúc Khánh… Người đi hội đông, có lúc xẩy ra ùn tắc cục bộ, tiêu biểu như tại Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Và, Phủ Tây Hồ… song an ninh trật tự được bảo đảm, không xảy ra chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp phản cảm. Dịch vụ đổi tiền lẻ, dâng sao giải hạn, xem bói đầu năm, bán đồ chơi bạo lực, văn hóa phẩm không rõ nguồn gốc… được giám sát chặt chẽ.
Trực tiếp tham dự một số lễ hội, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Phạm Lan Oanh nhận thấy, công tác tổ chức lễ hội chu đáo, bài bản, thể hiện quá trình chuẩn bị công phu, trách nhiệm, trong đó yếu tố quan trọng, góp phần mang lại kết quả tích cực chính là khâu tuyên truyền, quảng bá tạo sức hút cho lễ hội cũng như khuyến nghị về tuân thủ nội quy, quy định, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn và ý nghĩa.
Giữ trọn vẹn giá trị, ý nghĩa của lễ hội truyền thống
Lễ hội có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt. Suốt chiều dài lịch sử, lễ hội tồn tại trong tâm thức dân gian, trong tâm lý dân tộc, trong tình yêu và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống lâu đời. Trẩy hội đầu xuân chính là cách con người tìm về với bản sắc văn hóa, nối dài truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, lễ hội xuân đã được tái khởi động với đầy đủ những nghi thức thiêng liêng trong không khí hồ hởi, phấn khởi của cộng đồng.
Đáng mừng hơn, cùng với những nỗ lực trong tổ chức và quản lý, sự hưởng ứng, đồng hành của người dân trong gìn giữ những giá trị gốc, ý nghĩa văn hóa của lễ hội được thể hiện rõ nét qua hành vi, ứng xử văn minh tại nhiều không gian thờ tự, như: Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp; dâng hương và vàng mã mang tính tượng trưng, đặt để tiền lẻ đúng nơi quy định… Ông Đặng Văn Linh (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Năm nay, đi nhiều lễ hội, tôi không thấy hiện tượng khuân vác đồ mã lớn, lạm dụng hương nến. Người đi lễ đông song đều ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, không tranh giành, xô đẩy, chen ngang… Các hiện tượng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh… không thấy xuất hiện”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên toàn thành phố đã giúp cải thiện đáng kể văn hóa ứng xử tại lễ hội, di tích. Thành phố đã triển khai niêm yết hệ thống quy tắc này tại toàn bộ điểm di tích, thực hiện kiểm tra công tác tổ chức và quản lý trước và trong lễ hội, trong đó tập trung vào việc tổ chức lễ hội theo hướng thiết thực, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia Đặng Văn Bài cho rằng: “Những hành vi tiêu cực trong lễ hội về bản chất, đều do người tham gia chưa hiểu biết thấu đáo bản chất văn hoá của lễ hội. Chính vì vậy, cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền, để công chúng hiểu được những thông điệp văn hóa mà người xưa muốn truyền lại qua lễ hội. Các chương trình tuyên truyền cũng cần tổ chức thường xuyên, hiệu quả, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành, chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu xuân. Cùng với đó là các biện pháp quản lý phù hợp, linh hoạt theo sự biến đổi của thực tế đời sống”.
Còn Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, để đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong lễ hội, cần có quy định xử phạt cụ thể và khả thi, tránh hiện tượng nhờn luật; tăng cơ hội thực hành các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc, tự tin về văn hóa giàu bản sắc của đất nước đối với mỗi người dân.
Mùa lễ hội xuân 2023 đã và đang diễn ra trên cả nước và còn kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Để giữ vững kết quả bước đầu này, theo nhiều chuyên gia văn hóa, các địa phương cần tiếp tục tiếp tục duy trì, thực hiện tốt Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; đồng thời, bám sát tổ chức và quản lý lễ hội của địa phương; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, xóa bỏ những hình ảnh mất mỹ quan tại không gian thờ tự. Cùng với đó, công chúng tham gia lễ hội cần trang bị cho mình văn hóa ứng xử với lễ hội; hiểu đúng và thực hành đúng các nghi thức, cũng như tham gia đúng mực vào các hoạt động phần hội, góp phần giữ đúng nét đẹp văn hóa tinh thần của lễ hội trong đời sống hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.