(HNM) - Chuyện nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng sau khi nghỉ hưu đúng 8 tháng đã được bầu vào Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả mà dư luận ồn ào mấy ngày qua rõ ràng là không bình thường.
Cũng có vài ý kiến cho rằng, trước đây cựu bộ trưởng từng có thời gian dài tham gia doanh nghiệp, nên nay khi nghỉ hưu, ông lại trở về "mái nhà xưa" thì đã sao! Rồi, ấy là vì ông muốn tiếp tục cống hiến, đóng góp cho xã hội! Có người còn nhận định, đây là một xu hướng tích cực, cần được ủng hộ... Cần nói thêm cho rõ, chuyện ông cựu bộ trưởng tham gia vào ban lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả là không bình thường ở chỗ, trước đó, khi đương chức, chính ông là người ký quyết định đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả và chỉ định nhà đầu tư cho dự án chính là doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, vào thời điểm tại chức, ông còn có các động thái nhiệt tình "giúp đỡ" doanh nghiệp tiếp xúc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước...
Vậy nên, dư luận có quyền nghi ngờ và đặt ra những dấu hỏi.
Để phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra trong những chuyện tương tự, pháp luật đã có những quy định khá chặt chẽ. Cụ thể điều đó được thể hiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng; Pháp lệnh Cán bộ, công chức; và đặc biệt là Nghị định 102/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. Chiểu theo nghị định này, Bộ GTVT thuộc nhóm 2, Điều 4, Chương II về các lĩnh vực có quy định thời hạn không được kinh doanh. Tiếp đó, Điều 5 của Nghị định 102/2007/NĐ-CP nêu rõ, thời hạn không được kinh doanh với đối tượng thuộc nhóm 2 là từ 12 tháng đến 18 tháng. Không lẽ ông Hồ Nghĩa Dũng không biết những quy định này?
Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên với vi phạm cụ thể nêu trên, mọi lý lẽ, giải thích, bao biện đều không thể chấp nhận được. Đây chính là những biến thái rất có thể liên quan tới sự cố tình vi phạm nhằm động cơ, mục đích xây dựng "sân sau", mang lại lợi ích cho một nhóm người cụ thể, trong đó có quyền lợi của bản thân người được giao chức vụ, quyền hạn trong thời gian đương chức. Mặt khác, những quy định trong nghị định nêu trên còn nhằm ngăn ngừa hiện tượng cán bộ "hạ cánh" dùng ảnh hưởng của mình trong thời gian công tác để tận dụng các mối quan hệ, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh...
Trong một xã hội có pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên trên hết. Mọi công dân, tổ chức, công chức và cả quan chức đều phải sống và làm việc dựa trên các quy định của luật pháp. Nói cách khác, luật pháp phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới, không có ngoại lệ, càng không thể có bất kỳ một luật pháp nào dành đặc ân riêng cho một nhóm hoặc một cá nhân cụ thể nào đó. Ông Hồ Nghĩa Dũng trước đây là một cán bộ cao cấp, nay là một công dân, nên hơn ai hết phải hiểu rõ điều đó và phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Vì vậy, vi phạm này cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cần lưu ý thêm, tại sao trong một thời gian dài tới hơn hai năm (từ tháng 4-2012 tới nay) vi phạm nêu trên mới bị phát hiện? Trách nhiệm đó thuộc về cơ quan nào? Luật pháp cần phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán với những cơ chế kiểm soát và vận hành hiệu quả. Như vậy mới phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa những hành vi sai phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.