Văn hóa

Mỗi người dân Thủ đô làm nên sức mạnh mềm

Đoan Trang 03/03/2024 13:35

Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 19-2 vừa qua là một văn bản có ý nghĩa đặc biệt, góp phần cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa trong tình hình mới.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội về những điểm mới của Chỉ thị này.

638445316359514477-gs-ts-ph.jpg

- Thưa GS.TS Phạm Hồng Tung, Chỉ thị 30 được đánh giá là một bước đột phá quan trọng, khẳng định tư duy đổi mới của Thành ủy Hà Nội. Theo ông, điều gì làm nên bước đột phá của Chỉ thị 30?

- Sự nghiệp phát triển văn hóa Thủ đô, trong đó có công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành sự quan tâm liên tục và mạnh mẽ. Vì thế, trước hết phải nhìn nhận Chỉ thị 30 là sự kế thừa, tiếp nối những chủ trương, chính sách và biện pháp mà Hà Nội đang tiến hành.

Mặt khác, Chỉ thị cũng thực sự là một bước tiến mới, có tính đột phá trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch, bởi đây là lần đầu tiên có một sự chỉ đạo nhất quán, toàn diện ở cấp cao nhất của lãnh đạo Thành phố, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đối với việc xây dựng cho được đời sống văn minh đô thị. Hệ thống 9 nhiệm vụ và giải pháp cho thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng làng xã, phường, khối phố... phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản, kiên trì và có hiệu quả.

- Thông qua những điểm mới này, Thành ủy Hà Nội đã và đang thể hiện khát vọng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như thế nào, thưa ông?

- Việc xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, con người Hà Nội thanh lịch đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần, rất kiên quyết trong tất cả những lần Bộ Chính trị về làm việc với lãnh đạo Thủ đô. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây nhất cũng đặt ra vấn đề này như một nhiệm vụ bắt buộc và cấp thiết. Cho nên Chỉ thị số 30 trước hết là sự triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị.

Nhưng quan trọng hơn, Chỉ thị này cũng phản ánh và nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân Thủ đô và yêu cầu khách quan, bức thiết đặt ra trong thực tiễn phát triển của Hà Nội. Từ năm 2019, Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tức là đặt sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của thành phố. Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết, UBND Thành phố ban hành kế hoạch về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điều đó cho thấy Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực để khơi nguồn năng lực nội sinh quan trọng nhất là văn hóa và trí tuệ để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Hà Nội lại là trái tim, là bộ mặt của cả nước, mỗi người dân Thủ đô phải xứng đáng là đại sứ văn hóa của cả dân tộc Việt Nam trong giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế. Với tư cách là Thủ đô, Hà Nội và người Hà Nội phải xứng đáng để cho nhân dân cả nước tự hào, tin cậy và noi theo. Vì vậy, không thể không tập trung mọi nỗ lực cao nhất để xây dựng đời sống đô thị văn minh và con người Hà Nội thanh lịch.

Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, đời sống đô thị, lối sống và môi trường xã hội còn là một nguồn lực rất quan trọng trong phát triển và cạnh tranh ở quy mô toàn cầu. Thành phố không chỉ là nơi người ta sống và lao động theo kiểu “tồn tại” mà là nơi con người cảm thấy luôn “đáng sống”, sống hạnh phúc, hài lòng.

Chỉ khi đạt được điều đó thì Hà Nội mới có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn bè, đối tác, du khách thập phương.

Cũng chỉ khi đó, người Hà Nội mới thấy rõ được mình đang được hưởng lợi thực sự từ chính lối sống văn minh, thanh lịch của chính mình, và từ đó người Hà Nội mới thêm yêu Hà Nội và tìm cách làm cho Hà Nội văn minh hơn, đáng yêu hơn và thanh lịch hơn nữa. Đó chính là “sức mạnh mềm” của Thủ đô Hà Nội.

- Dám nhìn thẳng vào thực tế, không né tránh những tồn tại, hạn chế cũng là một trong những điểm nổi bật trong Chỉ thị 30. Trước thực trạng đó, theo ông, các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội cần phải làm gì để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo đúng tinh thần của Chỉ thị?

- Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải thừa nhận rằng đời sống đô thị và lối sống của người dân Hà Nội đang còn nhiều bất cập. Vì vậy Chỉ thị 30 đã nhấn mạnh và chỉ ra rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương, trách nhiệm hướng dẫn của các cá nhân, các cơ quan và các cấp trong việc ban hành, thực hiện các biện pháp và quy định về xây dựng lối sống đô thị văn minh, con người thanh lịch. Tôi đánh giá rất cao điều này.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo đúng tinh thần của Chỉ thị, theo tôi, đầu tiên chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu thế nào là “người Hà Nội thanh lịch”. Không thể nói chung chung, trừu tượng được.

Có những lối ứng xử trước đây được cho là “thanh lịch”, nay đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa. Có những thói quen như ngồi xổm, nói chuyện to, hỏi những câu “thân mật, riêng tư” nhưng nay, trong thời đại hội nhập, lại không còn thích hợp...

Hay với những lối ứng xử du nhập từ bên ngoài vào, cái nào phù hợp, cái nào không, cái nào là “lệch chuẩn”, cái nào là văn minh, hiện đại... thì cần phải có những nghiên cứu thận trọng rồi mới tuyên truyền, vận động được.

Tiếp đó, cần sự vào cuộc kiên trì của toàn dân, tránh vận động kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Muốn vậy thì phải chỉ ra được lợi ích khi người dân thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch. Và, để tạo lập một đô thị văn minh, lối sống thanh lịch, tôi cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo cho nhân dân Hà Nội một đời sống văn minh, thanh lịch, hạn chế những bức xúc, lo lắng về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông...

Vì thế mới nói “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, nhưng văn hóa không tồn tại độc lập mà nó thấm sâu, hòa quyện vào tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Cho nên, phải đặc biệt chăm lo đến sự phát triển bền vững, toàn diện thì mới có Thủ đô văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, phải thẳng thắn rằng, gìn giữ và xây dựng văn hóa, xây dựng nếp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, và nêu gương là một giải pháp được đánh giá cao. Mỗi cán bộ, đảng viên, những người lớn tuổi trong gia đình buộc phải cam kết thực hiện và nêu gương về lối sống văn minh, thanh lịch.

Bởi trong cơ quan, đơn vị, lãnh đạo gương mẫu thì nhân viên chắc chắn sẽ noi theo. Trong cộng đồng dân cư, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố mẫu mực thì dễ vận động nhân dân chung sức thực hiện việc phường, việc xã. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ gương mẫu sẽ là tấm gương để con cháu học hỏi...

Tôi nhớ ở Đức, tại các lối sang đường, người ta thường gắn biển nhắc nhở: “Người lớn hãy làm gương cho trẻ nhỏ, không vượt đèn đỏ!”. Hà Nội cũng nên có nhiều cách nhắc nhở gần gũi, dễ hiểu như vậy.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người dân Thủ đô làm nên sức mạnh mềm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.