Văn hóa

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Kỳ vọng bước đột pháĐòi hỏi một cách tiếp cận mới

Quốc Bình 03/03/2024 - 06:36

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội quan tâm, triển khai thực hiện qua mấy nhiệm kỳ, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Đó là lý do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với quyết tâm tạo ra bước chuyển mới.

z5197242116532_21bc74388bf3.jpg
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần sự tham gia của cả cộng đồng. Ảnh: Quang Thái

“Thương hiệu” người Hà Nội

Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực...

Thực vậy, “thanh lịch, văn minh” là những đặc điểm nhân cách con người mang “thương hiệu” Hà Nội. Câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” như thể được rút ra từ nghìn năm dân gian chiêm nghiệm mà thành.

Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định: “Thăng Long - Hà Nội có phong độ văn hóa riêng; có một sắc thái ngôn ngữ riêng - tiếng Hà Nội; một bản lĩnh riêng: Sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: Ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Hay rõ rệt, cụ thể hơn, trong một nhận xét của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Thanh lịch là chất cơ bản của người Hà Nội”.

Với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, một người yêu thương và am hiểu sâu sắc về đất và người Hà Nội, thanh lịch không chỉ là cái bên ngoài, không chỉ là lời ăn, tiếng nói, mà nó là cốt cách của người kinh đô xưa và Thủ đô ngày nay. Ông cho rằng: “Nếu tinh tế một chút sẽ thấy gần gũi, cởi mở mà không suồng sã; hiếu khách mà không vồ vập; săn đón, tận tình song vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để khách cảm thấy tự nhiên, thoải mái. Thêm vào đó là tiếng nói nhẹ nhàng, dễ nghe, có âm điệu đặc trưng hấp dẫn. Phải chăng tất cả những khác biệt “nho nhỏ” ấy hợp lại mà thành cái thanh lịch đầy sức lôi cuốn của người Hà Nội”.

Thực tế trải nghiệm đời sống hằng ngày cũng không khó để nhận thấy rằng, các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trước nguy cơ mai một

Nhiều năm qua, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô coi là giải pháp chủ yếu nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại. Đây cũng là vấn đề luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, nhắc nhở mỗi khi làm việc với Thủ đô.

Ý thức rõ điều đó, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, hiện nay là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Kết quả thực hiện đã làm nảy nở nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; đặc biệt gần đây với việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn mà nhiều năm qua, trong các kỳ tổng kết, đánh giá, Thành phố phải thừa nhận vẫn còn hạn chế. Hiện nay, cùng với những mặt tích cực, thực tiễn đời sống Thủ đô xuất hiện không ít hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, cùng với đó là những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng; thái độ sùng bái vật chất, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai; tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên...

Để tồn tại những hạn chế đó, ngoài nguyên nhân khách quan là mặt trái của cơ chế thị trường, tác động của văn hóa ngoại lai, thì về mặt chủ quan, trong nhận thức của không ít người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế nêu trên chính là nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị tiếp tục đặt ra yêu cầu xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Thời cơ để tạo ra kết quả mới

Từ những phân tích trên đây có thể thấy, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ là sứ mệnh tiếp nối truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội của mỗi người Hà Nội thời nay, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các cán bộ, đảng viên. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận mới, một cách vào cuộc khác với trước đây.

Điều thuận lợi là hệ thống nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có sự thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, toàn diện nhất từ trước đến nay. Với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cùng sự phân công cụ thể rõ ràng từng cấp, từng ngành, Chỉ thị 30 là "kim chỉ nam" cho cả hệ thống chính trị tham gia, là động lực tạo ra bước chuyển biến mới.

Một điểm mới đó là cùng với các nhiệm vụ, giải pháp mang tính nguyên tắc, Chỉ thị đã đi sâu vào những giải pháp mấu chốt, căn cơ. Đơn cử, cùng với xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ rõ 6 nội dung trọng tâm phải tập trung thực hiện; trong đó, đặt vai trò gia đình lên hàng đầu; tiếp đến là xây dựng môi trường giáo dục và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Chỉ thị nêu rõ: “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh”.

Nhớ lại những góp ý của PGS.TS Hà Đình Đức, một người luôn đau đáu về gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, con người Hà Nội, càng thấy Chỉ thị đặt ra rất trúng. Theo ông, phải kết hợp giáo dục của nhà trường với giáo dục cộng đồng và giáo dục trong gia đình. Trong đó giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng bởi vì tất cả thành viên trong xã hội đều nằm trong gia đình. Cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho các cháu, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch ngay trong chính từng ngôi nhà là điều nên làm.

Có thể nói, chất lượng nội dung Chỉ thị 30 rất tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang đặt ra. Để Chỉ thị đi vào cuộc sống thành công, việc quán triệt đến từng chi bộ, từng cán bộ, đảng viên là bước khởi đầu quan trọng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở có tính quyết định, nhưng để đi đến được kết quả mới, thậm chí có tính đột phá, “sâu rễ, bền gốc” trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, rõ ràng các cấp ủy Đảng phải là đầu tàu, tạo ra được phong trào có sự tham gia của mỗi gia đình, lấy gia đình làm “hạt nhân”, lan tỏa sâu rộng, được hưởng ứng ở tất cả cộng đồng.

Và đó phải là cộng đồng mà như nhà văn Tô Hoài từng viết: “Người Hà Nội là những người đương ở Hà Nội, mỗi chúng ta đương sinh sống ở Hà Nội, bất kể đã mấy đời hay mới mấy tháng, đều là một nhân tố và sức mạnh tạo nên đời sống thành phố với tự hào và trách nhiệm đầy đủ”.

Làm được như vậy không chỉ lan tỏa tiếng thơm thanh lịch, văn minh của Hà Nội, mà khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cũng sẽ sớm thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Kỳ vọng bước đột phá Đòi hỏi một cách tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.