(HNM) -
Cuốn tản văn này có 3 phần "Hà Nội đi nhanh và sống chậm", "Lữ khách trong phố" và "Tấm bản đồ sử ký" với câu chuyện đời sống đương đại ở Hà Nội trong những kết nối với ký ức; một vài dấu ấn văn nghệ sĩ gắn với mảnh đất này và một không gian đô thị qua con mắt kiến trúc - một nghề mà Nguyễn Trương Quý từng được đào tạo. Như tên gọi khá thơ "Mỗi góc phố một người đang sống", tác giả chia sẻ với người đọc: "Mỗi con phố phải có gì hơn là nhà cửa, hàng cây, vỉa hè, nếu như không phải là ở đấy có những con người làm nên trạng thái sống của chúng. Không có họ thì phố cũng chỉ dần như bảo tàng hoang vắng. Hà Nội vẫn trên đà sinh dưỡng của nó. Ấy là nhờ những con người, họ đã sử dụng và biến cải không gian đô thị để phục vụ cho cuộc sống của mình. Họ có thể là những nghệ sĩ, nhà văn, những người cả phố biết mặt, cả phường biết tên. Nhưng họ cũng có thể là những người làm các công việc rất bình thường... Họ làm cho phố có sức sống".
Và đúng là tản văn, cho nên chủ đề rất phong phú, từ "forum nước chè", "Nơi tuổi 17 hẹn" đến chuyện "Đôi tất trắng đàn ông", "Hà Nội của những cao bồi già"... Trong đó từ nơi những con phố cất lên biết bao gương mặt con người, phản ánh cũng không ít những đổi thay trong lối sống, suy nghĩ, hành xử của người Hà Nội. "Ba chục năm trước, aerobic áp đảo thế giới thể dục thẩm mỹ... Giờ thì thiền, tu tập, zen, nhạc chill-out... thu hút dân văn phòng thành thị như một sự phản đối lại những nhịp điệu quá mức căng thẳng kia" (Công nghệ sống chậm). Và bên cạnh những thủng thẳng, rủ rỉ, cài chút hài hước tỉnh bơ thì tác giả cũng có những trang viết có khi tê tái cả người. Như bài "Phố vẫy đủ mười khúc ngâm" với "những cô gái xách cặp lồng... đi bán hoa".
Có lẽ phải là một lòng yêu Hà Nội lắm lắm. Yêu thì mới nhớ đến từng chi tiết, từng chuyển động của phố phường, của con người... Yêu thì mới nói ra những xô bồ, bối rối trong những biến đổi của đời sống đô thị một cách tự trào mà sau rồi man mác buồn, lại phải nghĩ ngợi. Không khó để lý giải cho những mối quan tâm này của tác giả với Hà Nội khi ngay từ lời tựa anh đã viết "Đã nhiều năm qua, nhiều người tìm đến tình yêu với Hà Nội - "hướng về thành phố xa xưa" ấy như một sự thoát ly thực tại, yêu một thứ thuộc về ký ức chứ không phải yêu một thực thể. Nhưng thực thể sẽ trở thành một phần của ký ức... Không phải phố cổ sinh ra họ, không phải Hồ Gươm là nơi họ sống gần, không phải họ có mùa thu mà họ tạo ra một phố cổ của họ, Hồ Gươm khi qua tay họ hình như mới đẹp...".
Trong "Mỗi góc phố một người đang sống", mọi chuyện, dù đề tài gì thì cũng được nhìn dưới rất nhiều góc độ từ văn chương, phim ảnh đến hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc... Chuyện thời nay lồng với chuyện thời trước, chuyện trong nước đến chuyện các danh nhân nước ngoài. Có khi nào tư liệu miên man dẫn cả người đọc lẫn tác giả đi xa, hoặc làm rối chủ đề không? Chỉ thấy Nguyễn Trương Quý là một tay "lắm chuyện" có duyên và có thể kiểu kể chuyện như vậy lại là một phong cách đem đến sự thoải mái cho tác giả...
Tản văn Nguyễn Trương Quý còn có nét riêng là anh tự vẽ bìa, minh họa - những hình vẽ về phố Hà Nội, màu nước hoặc đôi khi đơn giản là ký họa. Bên cạnh đó còn có nhiều ảnh sưu tầm về những không gian sống ở Hà Nội mấy chục năm trước, thật khó mà không khiến người đọc bâng khuâng, hoài niệm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.