(HNMO) - Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng 7-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà thành phố đạt được trong 11 tháng năm 2022. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm và mỗi đại biểu HĐND cần gần dân hơn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải cho biết, qua theo dõi và qua các báo cáo trình HĐND thành phố cho thấy, với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quyết sách của Nhà nước vào cuộc sống. Thành phố đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự kiến năm 2022, GRDP của thành phố tăng trưởng khoảng 8,8% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 8%). Thu ngân sách vượt 6,8% so với dự toán; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được chăm lo, quốc phòng - an ninh được giữ vững…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, cầu thị của thành phố và tán đồng với một số bất cập được chỉ rõ trong báo cáo của thành phố. Trước dự báo năm 2023 còn nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân Thủ đô tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là năng động, sáng tạo để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị trí và bề dày lịch sử. Trong đó, thành phố cần bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển Thủ đô và doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển.
Hai là, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ba là,tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để phát triển Thủ đô; đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị. Cụ thể, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch và tới đây là tập trung triển khai lập Quy hoạch thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án quan trọng khác.
Bốn là, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Cụ thể, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp hằng ngày để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Năm là,cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, “nơi lắng hồn núi sông”, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”.
Sáu là, tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND thành phố. Cụ thể, nâng cao vai trò và trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố. Tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Tăng cường rà soát, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, với phương châm đi đến cùng vấn đề được giám sát.
“Mỗi đại biểu HĐND cần gần dân hơn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt vai trò người đại biểu dân cử. Thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.