Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mới có 20% doanh nghiệp gửi giấy gia hạn thuế, Tổng cục Thuế nói gì?

Hương Thủy| 12/06/2020 15:02

(HNMO) - Sau hơn 2 tháng thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ, đến nay mới có khoảng 20% doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn về cơ quan thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế lý giải tỷ lệ doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất ở mức thấp.

 20% doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn

Tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác quản lý thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 12-6, thông tin về nguyên nhân tỷ lệ doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất ở mức thấp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, đến ngày 11-6, cơ quan thuế đã tiếp nhận 138.842 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế (đạt khoảng 20%); trong đó, 104.634 người nộp thuế là doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh, cá nhân. Tổng tiền đề nghị gia hạn là 37.226 tỷ đồng.

Khi triển khai Nghị định 41/NĐ-CP, ngành Thuế đã tuyên truyền qua nhiều kênh, hầu hết người nộp thuế đều nắm bắt được chính sách, tự xác định nếu thuộc diện được gia hạn thì làm thủ tục. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm hồ sơ gia hạn rất thấp, bởi họ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3-2020.

Trong khi đó, những tháng qua, không phải tất cả doanh nghiệp nằm trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế. Vì thế, đa số doanh nghiệp có số thuế phát sinh lớn làm thủ tục gia hạn. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp lựa chọn nộp đúng tiến độ, tránh để dồn lại vào cuối năm.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp lớn đề nghị kéo dài thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, việc gia hạn thời hạn nộp thuế không được ảnh hưởng đến ngân sách, do đó, việc gia hạn phải phù hợp với từng loại thuế nhằm bảo đảm kết thúc năm 2020 không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách. Nếu như kéo dài thời gian gia hạn, ảnh hưởng tới dự toán ngân sách thì phải báo cáo Quốc hội.

Quang cảnh họp báo.

Mới thu hồi được gần 30% nợ thuế

Về quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã thu hồi được 12.378 tỷ đồng, bằng 29,5% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm ngày 31-1-2019.

Lý giải nguyên nhân thu nợ thuế trong những tháng qua bị chậm, ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho hay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên nhiều người nộp thuế chấm dứt kinh doanh, chậm nộp tiền nợ.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số người nộp thuế chưa phối hợp tốt với cơ quan thuế. Thời gian tới, đối với những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chây ì, nợ đọng thuế, cơ quan thuế sẽ tập trung đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Với dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20/NĐ-CP ngày 24-2-2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ, về sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/NĐ-CP khống chế chi phí lãi vay, Chính phủ cân nhắc để xử lý theo hướng cho phép lấy chi phí lãi vay, bù trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay, sau đó mới tính chi phí khống chế.

Đối với kỳ tính thuế năm 2017 và 2018, người nộp thuế nếu đã kê khai nộp thuế thì khi sửa đổi trên được Chính phủ thông qua sẽ được bù trừ trong số tiền thuế của năm 2017 và 2018 vào kỳ tiền thuế của năm 2020. Việc bù trừ được thực hiện trong 5 năm. Còn với việc hồi tố, Chính phủ đang cân nhắc không cho phép chuyển tiếp các chi phí đã loại trừ năm 2017 và 2018 vào những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mới có 20% doanh nghiệp gửi giấy gia hạn thuế, Tổng cục Thuế nói gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.