(HNM) - Để bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân đô thị và nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch. Cùng với phát triển nguồn cung, thời gian qua, việc phát triển mạng lưới cấp nước, mở rộng diện bao phủ nước sạch tới vùng ngoại thành đã được các cấp chính quyền thành phố, doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai.
Niềm vui từ nguồn nước sạch
Có mặt tại thôn Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) sáng 16-10, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, hệ thống mạng cấp nước sạch của thành phố do Công ty cổ phần Viwaco triển khai đã phủ khắp các ngõ trong thôn. Ông Nguyễn Tuấn Anh (số nhà 10, ngõ 1 Thượng Phúc) chia sẻ: "Gần 20 năm nay, chúng tôi sử dụng nước từ trạm cấp nước của xã, nhưng chất lượng nước không bảo đảm. Bể nước gia đình thường xuyên có bùn lắng. Vì vậy, tôi phải mua thêm máy lọc nước. Từ đầu tháng 10-2019, gia đình được đấu nối với mạng nước sạch thành phố. Nước đạt chất lượng, mọi người yên tâm sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày".
Ông Nguyễn Tràng Thắng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, trên địa bàn xã có 3 trạm cấp nước cục bộ, khai thác nguồn nước ngầm. Các trạm đều có “tuổi đời” trên dưới 20 năm, công nghệ lạc hậu. Đáng lo ngại là mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Do đó, khi được tiếp cận nguồn nước sạch của thành phố, người dân rất phấn khởi.
Tại khu vực ngoại thành, Thanh Trì hiện là huyện dẫn đầu trong việc phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, đến nay đã có hơn 68.000/80.000 hộ dân trên địa bàn huyện được tiếp cận, sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 85%. Huyện phấn đấu hết năm 2019 phủ kín mạng cấp nước tới các xã còn lại, gồm: Ngọc Hồi, Liên Ninh, Đại Áng, với hơn 10.000 hộ.
Về việc “phủ mạng” nước sạch tại địa bàn huyện miền núi, ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin, đến nay đã có 21/31 xã, thị trấn, với 33.279/73.824 hộ dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch từ nguồn nước tập trung của thành phố, hoặc các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn, đạt tỷ lệ hơn 40%. Tỷ lệ này còn thấp vì một số xã có địa hình phức tạp, chia cắt, nên việc đầu tư phát triển nguồn nước sạch gặp khó khăn. “Với các xã còn lại, liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Ao Vua cùng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì đang triển khai mạng lưới cấp nước theo kế hoạch”, ông Bạch Công Tiến nói.
Nâng dần tỷ lệ cấp nước
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 3 năm triển khai chủ trương của thành phố về phát triển mạng lưới cấp nước sạch, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tăng từ 37% (năm 2016), lên 65% (đến hết tháng 9-2019), với hơn 2,6 triệu người.
Cụ thể, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã. Đến nay, 14 dự án phát triển mạng đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành cấp nước cho nhân dân. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay có thêm 70.788 hộ dân được sử dụng nước sạch, nâng tổng số hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch lên 664.745 hộ (đạt 65%).
Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về nước sạch năm 2019, Hà Nội đang tiếp tục yêu cầu các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai 8 dự án phát triển mạng đã được chấp thuận, nâng tỷ lệ người dân ngoại thành được sử dụng nước sạch đạt 73-75%.
Theo ông Nguyễn Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, đơn vị triển khai dự án nối mạng, cấp nước cho 14 xã, 1 thị trấn của huyện Hoài Đức. Đến nay, toàn bộ các xã khu vực trong đê đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Tỷ lệ hộ dân đăng ký, đấu nối sử dụng nước đạt 73%. Còn một số xã ngoài bãi đang chờ thi công tường chắn đê, dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể lắp đặt đường ống cấp nước.
Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du thông tin thêm, nhiều huyện hiện đã có tỷ lệ người dân đấu nối, sử dụng nước sạch khá cao, như: Thanh Trì (81%), Gia Lâm (77,08%), Hoài Đức (76,53%)... nhờ địa hình thuận lợi, gần nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Song, một số huyện tỷ lệ này còn thấp, như: Chương Mỹ (7,04%), Mỹ Đức (8,7%), Phú Xuyên (11,72%), Ứng Hòa (17,53%), Sóc Sơn (18%)... Đây là các huyện xa nguồn cấp nước tập trung, nên việc phát triển mạng cấp nước còn chậm. Ngoài ra, khó khăn về vị trí cũng khiến doanh nghiệp ngại đầu tư, do vốn bỏ ra lớn nhưng chậm thu hồi.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, mở rộng hệ thống nước sạch về nông thôn, ngày 6-9-2019, HĐND thành phố đã có phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn. Tại đây, các đại biểu, chính quyền các địa phương, Sở Xây dựng, chủ đầu tư... đã chỉ ra các vướng mắc cụ thể. Tiếp thu kết luận của Thường trực HĐND thành phố về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân, ngày 8-10-2019, UBND thành phố đã có Văn bản số 4450/UBND-ĐT giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.
Cụ thể, Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt chỉ tiêu cung cấp nước sạch. Rà soát các nhà đầu tư chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi dự án, thay đổi chủ đầu tư với trường hợp không triển khai dự án, không bảo đảm năng lực... Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nước sạch. Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn...
Đối với các địa phương, thành phố cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; giải quyết kiến nghị của người dân, nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch để nhân dân hiểu, ủng hộ chủ trương phủ kín mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn toàn thành phố...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.