Đời sống

Gỡ khó cho nước sạch nông thôn

Minh Phú 03/11/2023 - 06:27

Dù dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, song đến nay, người dân nhiều xã trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Mới đây, tại hội nghị giao ban kết quả thực hiện chương trình đến hết quý III-2023, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nước sạch nông thôn tiếp tục là vấn đề được đặt ra để bàn thảo, tháo gỡ...

du-an-nha-may-nuoc-sach-son.jpg
Dự án Nhà máy Nước sạch sông Hồng hoàn thành sẽ cấp nước cho các xã của huyện Đan Phượng. Ảnh: Viết Niệm

Mòn mỏi chờ nước sạch

Chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 15-30km nhưng người dân nhiều xã ở các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Phúc Thọ… vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 6 công trình cấp nước tập trung, đang cung cấp nước sạch cho hơn 20.000 hộ dân, chiếm khoảng 40% tổng số hộ dân toàn huyện. Hiện tại, huyện còn 9 xã chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung.

Tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển đi kèm với nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Từ tháng 3-2023, xã lập danh sách các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nước sạch. Hơn 520 hộ gia đình có nhu cầu đã đề nghị lắp đặt đồng hồ nước, song đến nay, vẫn chưa được đáp ứng. Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, người dân xã Liên Hiệp tiếp tục đề nghị UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị thành phố yêu cầu doanh nghiệp sớm cung cấp nước sạch...

Cũng như huyện Phúc Thọ, người dân nhiều xã ven sông Hồng của huyện Đan Phượng cũng chưa được sử dụng nước sạch. Theo kế hoạch, Nhà máy Nước sạch sông Hồng và mạng lưới cấp nước cho 8 xã: Thọ An, Thọ Xuân, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Hồng Hà, Trung Châu, Hạ Mỗ được đầu tư sẽ cấp nước cho 100% các xã của huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án này bị chậm rất nhiều năm.

Anh Nguyễn Văn Khôi, người dân xã Hồng Hà cho biết: “Do chưa có nước sạch nên gia đình tôi vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nước giếng khoan rất vàng và tanh…”.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, khi Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đi chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thì tiêu chí “chất lượng môi trường sống” ở các xã thường không đạt điểm tối đa. Nhiều xã chưa đạt chỉ tiêu “tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung”.

Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, khu vực nông thôn mới có 85% số người dân được tiếp cận với nước sạch tập trung.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, trên địa bàn huyện mới có 13/21 xã, thị trấn được dùng nước sạch tập trung. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung mới đạt 43%. Huyện Thanh Oai đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai xây dựng hệ thống nước sạch cung cấp cho 8 xã chưa có nước sạch.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo Công ty Nước sạch Tây Hà Nội hoàn thành lắp đặt mạng cấp nước cho các thôn vùng bãi thuộc xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và triển khai xây dựng trạm bơm tăng áp theo quy hoạch (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng) để cấp nước cho những thôn, xóm cuối nguồn. Huyện cũng đề nghị thành phố xây dựng phương án cấp nước cho các hộ dân trong khu đất dịch vụ để bảo đảm 100% số hộ dân trên địa bàn được tiếp cận với nguồn nước sạch tập trung…

Báo cáo phương án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch nông thôn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, thời gian qua, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã rà soát, thống kê những địa phương chưa có nước sạch. Qua rà soát, thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố còn 139 xã chưa có nước sạch.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã chủ trì làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, nhà đầu tư… để tháo gỡ khó khăn và tham mưu, đề xuất UBND thành phố phân vùng cấp nước đối với khu vực chưa được đầu tư hệ thống nước sạch. Hiện tại, UBND thành phố đã giao 9 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố cấp nước cho 127/139 xã chưa có nước sạch theo hình thức xã hội hóa và thời gian hoàn thành trước năm 2025.

Thành phố cũng giao UBND huyện Ba Vì triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tại 3 xã miền núi là: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì - nơi không thể tiếp cận được nguồn cấp nước tập trung. Đối với 9 xã chưa có nước sạch của huyện Phúc Thọ, hiện Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đang nghiên cứu phương án mở rộng mạng cấp nước đồng bộ với Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng giai đoạn 1, công suất là 300.000m3/ngày - đêm. Dự kiến vận hành vào năm 2024...

Như vậy, kế hoạch đã rõ, việc quan trọng hiện nay là thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các dự án nước sạch nông thôn được triển khai theo đúng tiến độ, giúp khu vực nông thôn sớm được “phủ sóng” nước sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho nước sạch nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.