Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng diện tích lúa xuân muộn

Chí Kiên| 04/02/2013 06:24

(HNM) - Toàn miền Bắc vừa kết thúc đợt 1 lấy nước từ hồ thủy điện, nhiều địa phương đang tập trung làm đất và bắt đầu cấy trà xuân sớm.


Trên các cánh đồng của xã Phụng Thượng, Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) những ngày này, nông dân đang tập trung cấy lúa xuân. Lão nông Nguyễn Đăng Nguyên (xã Phụng Thượng) cho biết, gia đình có 6 sào ruộng, đến thời điểm này cơ bản đủ nước đổ ải, đang tiến hành làm đất và bắt đầu cấy, phấn đấu xong trước Tết Nguyên đán.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Sơn Tây) vận hành lấy nước đổ ải. Ảnh: Đỗ Chí


Thống kê sơ bộ của huyện Phúc Thọ cho thấy, đến thời điểm này, toàn huyện đã cấy được khoảng 400ha, đạt gần 10% diện tích. Trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu cấy trà xuân sớm như thị xã Sơn Tây được khoảng 40ha, Ba Vì 350ha, Thạch Thất 100ha, Phú Xuyên 350ha, Ứng Hòa gần 1.000ha… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, hiện các huyện, thị xã đang tập trung làm đất phần diện tích đã được đổ ải từ đợt xả nước đầu tiên của hồ thủy điện (khoảng 45.000ha) và tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để tiếp nước đợt 2 từ ngày 4-2 đến 9-2, phấn đấu đạt mục tiêu 80% diện tích vụ xuân có nước đổ ải.

Theo Giám đốc Công ty Thủy lợi Hà Nội Đỗ Văn Tuyến, vùng phía bắc Hà Nội (gồm các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên) có tỷ lệ lấy nước thấp so với mặt bằng chung là do tập quán cấy muộn nên công ty chưa đưa nước vào đồng ruộng. Trong đợt 2 và đợt 3 sẽ đẩy nhanh việc đưa nước đổ ải, bảo đảm đúng thời vụ và trùng với thời điểm ra đồng của nông dân để tránh lãng phí nước, tiết kiệm điện. Ngoài ra, một số nơi lấy nước tưới từ hồ thủy lợi nên sát Tết Nguyên đán mới tiến hành đổ ải.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN& PTNT) cho biết, trong đợt 1 lấy nước, các tỉnh trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã rất nỗ lực lấy nước phục vụ gieo cấy vụ xuân. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có khoảng 320.000ha đạt 50% kế hoạch vụ xuân có nước đổ ải. Trong đó, tỉnh Phú Thọ đã có 29.590ha lấy được nước đổ ải, đạt 89,8% kế hoạch; Nam Định có 66.699ha, đạt 83%; Ninh Bình đạt 86%... Tuy nhiên, đến nay diện tích cây vụ đông chưa được thu hoạch tại các tỉnh miền Bắc vẫn còn lớn, khoảng 50.000ha, tập trung chủ yếu tại Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, hiện chưa thể đưa nước đổ ải. Nguyên nhân do vừa qua có rét đậm, rét hại kéo dài gần 20 ngày đã tác động đến thời gian sinh trưởng và phát triển của cây vụ đông. Ngoài ra, do mực nước hạ du sông Hồng có dao động, cùng với việc nhiều vùng lấy nước đồng loạt nên một số nơi xa nguồn nước như cuối kênh hệ thống thủy lợi, vùng cao cục bộ như khu vực Kim Bảng, bắc Lý Nhân (Hà Nam), Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên), Sơn Tây, Thạch Thất (Hà Nội)..., việc lấy nước có khó khăn hơn các vùng khác.

Mở rộng diện tích trà xuân muộn và lúa lai

Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2012- 2013, toàn miền Bắc sẽ gieo cấy hơn 1,14 triệu hécta lúa, năng suất dự kiến trung bình đạt 62,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 7,2 triệu tấn. Theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, vụ xuân năm nay sẽ mở rộng tối đa trà xuân muộn (chiếm 80 đến 90% diện tích); mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng khá để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế. Diện tích lúa lai phấn đấu đạt khoảng 450.000ha (khoảng 40% diện tích lúa). Cục Trồng trọt khuyến cáo một số giống lúa thuần nên dùng trong trà xuân muộn như: Khang Dân 18, Khang Dân đột biến, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, Nàng Xuân, Nhị Ưu... Cùng với đó là các giống lúa lai hai dòng: TH3-3, TH3-4, Việt Lai...

Cục Trồng trọt cũng khuyến khích nên mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng, đặc biệt ở những cánh đồng dồn điền, đổi thửa, sản xuất cùng một giống theo hướng hàng hóa nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng lúa. Vụ xuân này toàn miền Bắc phấn đấu diện tích gieo thẳng đạt khoảng 350.000ha, chiếm 30% diện tích. Ông Phạm Đồng Quảng cũng lưu ý, năm 2013, lập xuân vào ngày 4-2, trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ một tuần nên các địa phương cần bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, bảo đảm lúa phân hóa đòng và trỗ vào thời tiết thích hợp; tránh rét muộn khi lúa trỗ và tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời tạo thuận lợi cho việc gieo cấy sớm lúa hè thu, vụ mùa và triển khai vụ đông năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng diện tích lúa xuân muộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.