(HNM) - Hai tuần qua, báo chí “nóng rực” với màn xuất hiện kèm hiệu ứng truyền thông không thể mơ ước nhiều hơn của hai bộ phim truyền hình dài tập: “Người phán xử”, và đặc biệt là “Sống chung với mẹ chồng”.
Có nhiều điểm chung giữa hai bộ phim này. Đầu tiên là yếu tố "ngoại": “Người phán xử” thuộc thể phim tâm lý tội phạm, phim Việt nhưng dựng theo kịch bản có xuất xứ Israel; “Sống chung với mẹ chồng" được dựng với kịch bản phỏng theo cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc từng gây “bão” trên mạng. Điểm chung nữa là cả hai đều nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, được đón xem với tâm lý “chờ đợi từng tập một” - điều ít thấy ở khán giả truyền hình trong vài năm trở lại đây. Giữa lúc “Giờ vàng - phim Việt” có nguy cơ đuối hẳn trước sự thờ ơ của khán giả, hai bộ phim này được cho là “cú hích” để kéo khán giả trở lại với màn ảnh nhỏ.
Công bằng mà nói, cả “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” đều có thế mạnh so với nhiều bộ phim truyền hình được sản xuất trong thời gian gần đây. Phim đầu tiên có được yếu tố “lạ”, bởi tâm lý tội phạm là đề tài mới mẻ đối với phim Việt. “Sống chung với mẹ chồng” có đề tài được ít nhất là “một nửa thế giới” quan tâm. Tuy thế, so với mức độ “gây bão”, dường như có những vấn đề của phim khiến người quan tâm phải bận tâm. Chẳng hạn, với “Sống chung với mẹ chồng”, hình ảnh “bà mẹ chồng bá đạo” - như cách nói của nhiều người - là điều gì đó đi quá xa so với thực tế hiện tại. Khi tính đại diện bị ảnh hưởng bởi điều đó, sức thuyết phục có nguy cơ giảm theo. Những tập đầu cho cảm giác thú vị nhưng cảm giác ra sao nếu sự “quá đà” vẫn còn tiếp diễn?...
Lên sóng vào thời điểm phim truyền hình Việt Nam tỏ ra lép vế so với phim nước ngoài, hai bộ phim nói trên như miếng ngon được đưa đến khi thực khách đã đói. Sự cộng hưởng có thể không còn đối với những bộ phim tiếp theo và khi đó, điều mà khán giả chờ đợi chắc chắn phải là một món ngon hoàn hảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.