(HNM) - Với xu hướng công nghệ phát triển theo hướng hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình, từ nhiều năm trước các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã cung cấp dịch vụ truyền hình.
Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình của FPT Telecom. Ảnh: Hải Anh |
Nhiều lợi thế
Vốn có lợi thế về hạ tầng mạng lưới với hệ thống đường trục truyền dẫn Bắc - Nam, hệ thống cáp quang hàng nghìn kilomet đến tận các xã, những tập đoàn lớn như VNPT, Viettel không chỉ có thế mạnh trong cung cấp các dịch vụ viễn thông, mà còn cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền hình. Vì vậy, các nhà mạng cung cấp truyền hình qua mạng internet (truyền hình IPTV) có một điểm nổi trội dễ nhận thấy. Nếu như ở loại hình truyền hình truyền thống, người xem phải phụ thuộc vào nhà đài với giờ phát, lịch phát sóng chương trình; thì xem truyền hình IPTV, khán giả được chủ động lựa chọn các chương trình, nội dung yêu thích để xem lại, tất nhiên là phải trả phí.
Từ năm 2009, VNPT đã bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV. Trước đó, năm 2006, FPT Telecom cung cấp truyền hình IPTV. Viettel cũng cung cấp dịch truyền hình IPTV, với thương hiệu NextTV từ năm 2012 và đến năm 2015 cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (dù đã được cấp phép từ năm 2013).
Nếu như thời điểm các doanh nghiệp như VNPT, FPT cung cấp truyền hình IPTV có lẽ do còn mới, nên ít bị “ồn ào”, thì năm 2012 khi Viettel dù mới chỉ làm thủ tục xin phép tới cơ quan quản lý, ngay lập tức đã bị hiệp hội truyền hình trả tiền gửi đơn đến các cấp có thẩm quyền đề nghị không cấp phép cho Viettel, vì lo ngại cạnh tranh không lành mạnh... Kết quả, Viettel vẫn được cấp phép triển khai dịch vụ. Song, điều đáng bàn và là khác biệt cơ bản với các nhà đài ở chỗ, cả VNPT, Viettel và FPT chỉ được cung cấp truyền hình, chứ không được làm nội dung. Được biết, đến nay Viettel có gần 2 triệu thuê bao truyền hình (gồm IPTV và truyền hình cáp), VNPT có hơn 1 triệu thuê bao, FPT có khoảng 500.000 thuê bao.
Cần sự hợp tác
Như đã nêu, cả ba nhà mạng viễn thông lớn đều cung cấp truyền hình IPTV, song điểm khác biệt ở chỗ, họ không được tự sản xuất nội dung, có nghĩa các chương trình phát sóng (ngoài các kênh quảng bá miễn phí theo quy định) họ phải mua bản quyền truyền hình; hoặc phải hợp tác với các nhà đài (được làm nội dung) để phát sóng. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng thừa nhận, do VNPT cũng như các nhà mạng khác không được cấp phép làm nội dung truyền hình, nên dịch vụ IPTV của VNPT tăng trưởng chậm và khó đủ sức cạnh tranh.
Việc nhà mạng không được làm nội dung không chỉ gặp khó khăn trong việc phải trả phí bản quyền với chi phí ngày càng cao, mà còn gặp khó vì chỉ được hưởng tỷ lệ doanh thu quảng cáo nhất định (dựa trên hợp tác với các nhà đài). Thêm nữa, việc phát triển thuê bao truyền hình IPTV còn chịu cạnh tranh với các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới từ các hãng nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, còn bị ảnh hưởng từ việc cung cấp truyền hình OTT “lậu” rất khó để kiểm soát trên mạng và điều này ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ nghiêm túc.
Trước thực trạng trên, các nhà mạng có nên tiếp tục làm truyền hình? Theo đại diện Viettel, doanh nghiệp viễn thông kinh doanh dịch vụ truyền hình sẽ có một số lợi thế nhất định trong việc cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đó là có thể tối ưu được chi phí đầu tư hạ tầng, mạng lưới khi tận dụng hạ tầng trong viễn thông để kinh doanh dịch vụ truyền hình. Bên cạnh đó, nhà mạng có thể dễ dàng tiếp cận được cộng đồng khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mình để giới thiệu và khi cung cấp sản phẩm trên cùng hạ tầng sẽ có điều kiện chăm sóc khách hàng toàn diện hơn...
Hiện nay, với sự phát triển mạnh của các mạng xã hội như Facebook, Google và chính các nhà cung cấp dịch vụ trên internet đã thu hút một lượng lớn doanh thu từ quảng cáo số, do vậy các nhà đài (cả các cơ quan báo chí truyền thống và điện tử) đều bị giảm nguồn thu quảng cáo và điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành truyền hình. Bên cạnh đó, do thị trường truyền hình trả tiền trong nước cạnh tranh quyết liệt, nên chỉ số doanh thu/thuê bao tháng giảm mạnh cũng rất khó cho phát triển. Vì vậy, đã đến lúc các nhà đài (có lợi thế về làm nội dung) cần hợp tác với nhà mạng (vốn có lợi thế về hạ tầng và chăm sóc khách hàng) để cùng phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.