Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặt bằng lãi suất có tiếp tục ổn định?

Hà Linh| 25/05/2021 06:40

(HNM) - Mặc dù có nhiều thời điểm tăng, giảm thất thường, song nhìn chung, mặt bằng lãi suất gần 5 tháng đầu năm 2021 khá ổn định. So với cùng thời điểm này những năm trước, lãi suất được đánh giá là thấp hơn nhiều, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Câu hỏi đặt ra là từ nay đến cuối năm 2021 lãi suất có tiếp tục duy trì ổn định?

Mặt bằng lãi suất huy động của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam duy trì mức 2,9%/năm. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo báo cáo diễn biến thị trường tiền tệ vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, trong 2 tuần đầu của tháng 5, lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ. Trong đó lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có mức tăng lần lượt là 0,03%/năm, 0,03%/năm và 0,02%/năm, lên mức 1,24%/năm, 1,38%/năm và 1,43%/năm. 

Đối với mặt bằng lãi suất huy động, giữa các ngân hàng thương mại lại có sự tăng, giảm trái chiều, nhưng về cơ bản vẫn ở mức thấp. Chẳng hạn như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất được áp dụng là 2,55%/năm. Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) duy trì mức 2,9%/năm... Ở chiều ngược lại, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), lãi suất huy động lại giảm nhẹ 0,1% với nhiều kỳ hạn. 

Theo các chuyên gia, lãi suất như trên vẫn ở mức thấp so với những năm trước, nhất là thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19. Với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, ít nhất là trong quý II-2021, xu hướng lãi suất vẫn chưa có sự thay đổi và tiếp tục duy trì ổn định.

Về xu hướng thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, yếu tố có thể làm lãi suất tăng trong thời gian sắp tới là nếu tình hình kinh tế vẫn hồi phục tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt và tất cả các thị trường bất động sản, thị trường vàng, chứng khoán đều phục hồi tốt thì nhu cầu vay vốn từ ngân hàng sẽ tăng cao, từ đó đẩy lãi suất huy động tăng. Ngoài ra, lạm phát tại thời điểm này có dấu hiệu tăng nên nếu kiểm soát lạm phát mức dưới 4%, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp, tức là có thể giữ được lãi suất thấp, nhưng nếu tỷ lệ lạm phát tăng thì dự báo quý III, IV-2021 lãi suất sẽ tăng.

Về phía ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ khẳng định, VietinBank sẽ tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp cân đối nguồn vốn hiệu quả, tiết giảm chi phí vốn để tạo nguồn lực triển khai mạnh mẽ các chính sách ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ; luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức thấp, hợp lý nhất, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), lãi suất huy động là giá vốn của các ngân hàng nên ngân hàng cân đối nguồn vốn để quyết định lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngân hàng áp dụng lãi suất dựa trên cung cầu vốn của thị trường. Song, OCB luôn đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, nên sẽ tìm mọi cách tiết kiệm chi phí để duy trì mức lãi suất thấp.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm tạo sự ổn định. "Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay với doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Đào Minh Tú cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mặt bằng lãi suất có tiếp tục ổn định?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.