Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.
Góp phần kiểm soát lạm phát
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần các loại lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm. Đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh và triển khai các gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Về chương trình hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 6, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh tín dụng thương mại, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng.
Chính sách tài khóa giữ vai trò quan trọng
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước, qua đó ưu tiên quản lý mục tiêu thay cho quản lý hành vi, để ngân hàng thương mại nhà nước chủ động, linh hoạt, tạo các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.
Về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất...
Chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân cần khắc phục trong thời gian tới, trong đó nêu rõ, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế, cao hơn so với mong muốn được hỗ trợ, chia sẻ của doanh nghiệp, người dân để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng. Các tổ chức tín dụng phải luôn đồng hành, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần ưu tiên cho tháo gỡ khó khăn, ưu tiên cho tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng có kiểm soát phù hợp, kịp thời, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay.
Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, giúp giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15%GDP. Để phát triển thị trường này, Thủ tướng yêu cầu, kiểm soát việc “đại chúng hoá” ở thị trường thứ cấp, phải quy định rõ tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có giấy phép hành nghề mới được thực hiện nghiệp vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cũng theo Thủ tướng, xếp hạng tín nhiệm là yêu cầu cấp bách phải sớm triển khai để góp phần lấy lại niềm tin cho thị trường; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm; thị trường trái phiếu phải hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm của nước ngoài...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.